Trong 4 ngày xét hỏi trước đó, HĐXX cơ bản làm rõ được hành vi của các bị cáo ở ba nhóm tội: "Đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Ở nhóm tội nhận hối lộ, 21 bị cáo là cựu quan chức đều thành khẩn khai báo như cáo trạng quy kết.
Chỉ có Phạm Trung Kiên (cựu thư ký một lãnh đạo Bộ Y tế) dù thừa nhận cáo buộc nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng, nhưng người này khai quanh co việc sử dụng tiền.
Theo lời khai của Kiên, anh ta dùng 20 tỷ đầu tư mua đất ở huyện Ba Vì, Hoài Đức và ở Mũi Né (Bình Thuận); cho chú họ (chưa rõ lai lịch) ở Thái Bình vay hơn 10 tỷ đồng bằng hình thức chuyển khoản, không có cam kết; số còn lại mang về cho vợ...
Ngoài ra, Kiên phản bác lời khai của bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) cho rằng, đã bị Kiên quát tháo, dọa nạt, ép phải đưa hối lộ mới được cấp giấy phép thực hiện chuyến bay giải cứu. Đây là chi tiết cần đại diện Viện kiểm sát giải đáp...
Đối với nhóm tội đưa hối lộ, trong số 23 bị cáo đại diện cho các doanh nghiệp có nhiều người bày tỏ mong tòa xem xét lại hoàn cảnh. Họ khai rành rọt lý do phải đưa hối lộ vì nhóm cựu quan chức nhũng nhiễu, "nếu không đưa sẽ không được cấp phép chuyến bay" gây thiệt hại về kinh tế.
Điển hình trong lời khai của bị cáo Đào Minh Dương cho thấy, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan gây "khó khăn cùng cực" cho doanh nghiệp khi sát ngày mới cấp phép.
Theo Dương, để thực hiện các chuyến bay, doanh nghiệp đã phải thế chấp trước 30% tiền thuê máy bay, giá thuê mỗi lần từ 6 – 9 tỷ đồng. Nếu đưa tiền ít hoặc không đưa Cục Lãnh sự gây khó, còn công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ "mai bay hôm nay mới biết mình được về" là hành hạ họ.
"Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân đâu mà hành dân", bị cáo Dương khai trong trạng thái bức xúc, theo TPO.
Còn ở nhóm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, phần khai báo của bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) cùng 3 thuộc cấp cho thấy, dù nhận tội song họ chưa hài lòng về cáo trạng quy kết việc thu tiền chênh lệch của 1.891 tù nhân.
Trong vụ án, ông Thái và thuộc cấp đã thu 44,6 tỷ đồng của số người kể trên nhưng chi phí chỉ hết 33 tỷ đồng. Số dư hơn 11 tỷ đồng còn lại, ông và cấp dưới giữ 5 tỷ đồng chia nhau, ông Thái hưởng 580 triệu đồng.
Cựu Đại sứ Trần Việt Thái cho rằng, những người mãn hạn tù trong các trại chờ gồm người đánh bắt cá trộm, lao động trái phép và những cô gái làm "đào".
Khi bị bắt, họ thường không có giấy tờ hợp lệ vì chủ sử dụng lao động giữ hộ chiếu của họ, còn người đi đánh bắt cá trộm sẽ vứt hộ chiếu đi. Số tiền thu chênh lệch cần "dự phòng khi có tình huống khẩn cấp".
Một trong những diễn biến bất ngờ, được sự quan tâm của dư luận là việc Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an) kêu oan, khẳng định không hề nhận 2,65 triệu USD từ Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội để "chạy án" cho Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn, Phó tổng và Tổng giám đốc Công ty Blue Sky.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn khi trả lời xét hỏi và khi đối chất đều khai rất rõ từng lần nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Blue Sky) và đưa lại cho Hoàng Văn Hưng giúp "chạy án".
Các cuộc gặp giữa Hưng và Hằng để bàn bạc về kế hoạch chạy án đều diễn ra tại nhà riêng của cựu phó giám đốc Công an Hà Nội.
Sau mỗi lần gặp ông Tuấn đều trực tiếp đưa cho Hưng từ một đến vài trăm ngàn USD để tìm cách giúp Hằng và Sơn thoát tội.
Tuy nhiên, Hưng phản bác lại toàn bộ lời khai trên. Cựu điều tra viên thừa nhận có gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng tại nhà riêng của Tuấn nhưng không trao đổi về việc chạy án mà chỉ là khuyên Hằng ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật, theo Dân trí.
Về cáo buộc nhận một chiếc cặp do ông Tuấn gửi đến bên trong đựng 450.000 USD, Hưng thừa nhận có được đưa cho chiếc cặp này nhưng bên trong không có tiền mà chỉ có bốn chai rượu vang.
(Tổng hợp)