Vụ 'chuyến bay giải cứu': Luật sư xin giảm hình phạt cho các bị cáo

Luật sư Trần Nam Long đề nghị HĐXX xem xét giảm hình phạt cho thân chủ của mình - cựu Đại sứ Vũ Hồng Nam - xuống còn 3 năm tù.

Ngày 19/7, trong phần tranh luận tại phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu,” nhiều luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ gỡ tội cho thân chủ của mình, đồng thời đề nghị Hội đồng Xét xử cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ hình phạt, xem xét cho các bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Bào chữa cho cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, luật sư Trần Nam Long bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát về áp dụng 4 tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Nam, cũng như việc cần có chính sách phân hóa, giảm nhẹ đối với những bị cáo tuy nhận tiền hối lộ do không chống lại được sự cám dỗ nhưng không đòi hỏi, sách nhiễu, gây khó khăn. Đồng thời, luật sư cho rằng mức án 4-5 năm tù đối với bị cáo Nam là tương đối phù hợp.

Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tuy nhiên, luật sư Long phân tích việc bị cáo Nam tổ chức các chuyến bay về nước xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm phải làm; hành vi nhận tiền, vụ lợi cho bản thân không phải là mục đích khiến bị cáo Nam lao vào công việc, tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước.

Mặt khác, cả hai lần nhận tiền đều là các doanh nghiệp chủ động mang quà đến cảm ơn, bị cáo Nam chỉ biết là tiền khi các doanh nghiệp đã ra về.

Luật sư Long đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét giảm hình phạt cho thân chủ của mình xuống còn 3 năm tù để phù hợp với thái độ thành khẩn, nhận sai, sửa sai và ghi nhận những cống hiến của bị cáo Nam trong công tác ngoại giao.

Tương tự, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Hà (cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka-Nhật Bản), luật sư Trần Bình Tuấn cho biết khi nhận tiền, bị cáo Hà luôn day dứt, băn khoăn và nhận thức được việc nhận tiền “cám ơn” này là phạm tội nên đã tự nguyện, chủ động nộp toàn bộ số tiền này ngay sau khi vụ án bị phát hiện và ngay trước khi bị cáo bị khởi tố bị can.

Luật sư Tuấn đồng tình với nhận định của Viện Kiểm sát về 5 tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Hà, đồng thời kiến nghị cho bị cáo được miễn hình phạt do đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt và khắc phục toàn bộ hậu quả.

Bào chữa cho bị cáo Lê Thị Ngọc Anh (cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng hành vi của bị cáo Ngọc Anh có dấu hiệu của tội “môi giới hối lộ” hơn là “đưa hối lộ."

Luật sư Vũ Xuân Nam phân tích dấu hiệu đặc trưng của tội "đưa hối lộ" là yêu cầu người nhận hối lộ xâm phạm hoạt động đúng đắn hoặc khi người có chức vụ, thẩm quyền yêu cầu thì người đưa hối lộ đồng ý.

Trong số các bị cáo nhận hối lộ của Ngọc Anh để thực hiện việc cấp phép, phê duyệt chuyến bay có 2 bị cáo là Lê Tuấn Anh và Phạm Trung Kiên không phải là người có thẩm quyền quyết định việc cấp phép chuyến bay.

Với bị cáo Kiên, tất cả các hồ sơ được Cục Y tế dự phòng đưa lên, bị cáo đều phải trình lên lãnh đạo Bộ Y tế, chứ không được phép can thiệp hoặc chỉnh sửa danh sách. Đối với bị cáo Lê Tuấn Anh, như đã khai tại tòa, do Phòng Bảo hộ công dân có nhiều việc nên bị cáo hỗ trợ. Số tiền bị cáo Tuấn Anh đã nhận được của Ngọc Anh là 7.500 USD, bị cáo không đưa và không chia cho ai.

Như vậy, số tiền các doanh nghiệp đưa cho 2 cá nhân này không được xác định là tiền đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay, vì 2 cá nhân này không có thẩm quyền để tác động hay quyết định việc cấp phép chuyến bay.

Số tiền này trừ đi số tiền đã đưa cho 2 cá nhân không có thẩm quyền cấp phép chuyến bay là Kiên (22.000 USD) và Tuấn (7.500 USD).

Như vậy, theo luật sư Vũ Xuân Nam, tổng số tiền Ngọc Anh đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền cấp phép các chuyến bay là 123.500 USD và 500 triệu đồng (tương đương hơn 3,3 tỷ đồng).

Trong số các cựu cán bộ ngoại giao, bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) bị cáo buộc liên quan sai phạm trong 8 chuyến bay, đưa 1.891 người đã chấp hành xong án phạt tù về nước. Bị cáo Thái bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị 5-6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Thái và ba bị cáo là cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có sai phạm thu hơn 4,6 triệu đồng khi cấp mỗi cuốn hộ chiếu nhưng chỉ nộp ngân sách với mức 1,6 triệu đồng/cuốn...

Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã thu hơn 43 tỷ đồng của 1.891 người trên, trong số này bị cáo Thái dùng 33 tỷ đồng tổ chức các chuyến bay. Với 10 tỷ đồng còn lại, một số cán bộ chia nhau 5 tỷ đồng.

Bị cáo Thái bị cáo buộc hưởng lợi 580 triệu đồng, đã nộp khắc phục 5,6 tỷ đồng. 5 tỷ đồng đưa vào sử dụng tại Đại sứ quán cũng đã được cán bộ tại đây nộp lại.

Tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo Thái cho rằng bị cáo "không cố tình thu khống" mà thu cho các tình huống cấp bách. Bị cáo Thái giải thích tình hình lúc đó rất căng thẳng, Đại sứ quán bắt buộc phải có kinh phí dự phòng cho nhiều tình huống. Rủi ro khác nữa là trại giam ở xa, người mãn hạn tù không quay lại được... Nếu mỗi tháng tổ chức một chuyến bay thì coi như phải nuôi thêm một tháng.

Theo bị cáo Thái, khi Đại sứ quán vào cuộc, tổ chức chuyến bay với giá chỉ 20-35 triệu đồng/người, một số đối tượng cò mồi nghĩ là bị "đạp đổ nồi cơm" nên cố tình viết đơn tố cáo bị cáo và một số cán bộ trong Đại sứ quán.

Mặt khác, bị cáo Thái nói do không có quyết toán nên không biết là tiền thu thừa khoảng 10 tỷ đồng và khoản này bị coi là thiệt hại vụ án.

Nếu có thiệt hại, bị cáo và các cựu cán bộ Đại sứ quán sẵn sàng bồi thường và bản thân bị cáo cũng đã bồi thường hơn 5 tỷ đồng. Bị cáo xin nhận sai phạm mong được Hội đồng Xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo./.

Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”

54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” - 23 bị cáo ; “Nhận hối lộ” - 21 bị cáo; “Môi giới hối lộ” - 4 bị cáo; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - 1 bị cáo; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - 4 bị cáo và 1 bị cáo với 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ."

* Đối với 21 bị cáo bị xét xử về tội “nhận hối lộ,” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt các mức án gồm:

Tử hình: Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế)

19-20 năm tù: Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý XN-BCA)

18-19 năm tù: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng CLS-BNG)

12-13 năm tù: Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao)

9-10 năm tù: Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng CLS-BNG)

Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục QLXNC-BCA)

8-9 năm tù: Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch ỦBND Quảng Nam)

Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục QLXNC-BCA)

7-8 năm tù: Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng)

Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ QHQT-VPCP)

6-7 năm tù: Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ QHQT-VPCP) Nguyễn Mai Anh (cựu chuyên viên Vụ QHQT-VPCP)

5-6 năm tù:Nguyễn Hồng Hà (cựu TLS Tại Osaka, Nhật Bản)

Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng Phòng VTHK-CHK)

Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ HTQT-Bộ GTVT)

4-5 năm tù: Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản)

Lê Tuấn Anh (cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự)

Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội)

3-4 năm tù: Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola)

2-3 năm tù: Lưu Tuấn Dũng (cựu Phó trưởng PBHCD, CLS-BNG)

Lý Tiến Hùng (cựu chuyên viên Vụ KHCNMT-BGDĐT)

* Đối với nhóm 23 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “đưa hối lộ," đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm:

11-12 năm tù: Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky)

10-11 năm tù: Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó TGĐ Công ty Blue Sky)

8-9 năm tù: Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty An Bình)

7-8 năm tù: Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Việt)

5-6 năm tù: Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA)

Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Minh Ngọc)

4-5 năm tù: Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh)

Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife)

Lê Thị Ngọc Anh (cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng)

3-4 năm tù:Nguyễn Thị Hiền (trú tại Ngọc Lâm, Long Biên-HN)

Đào Minh Dương (Giám đốc Công ty Cổ phần Vijasun)

Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty G19)

2-3 năm tù: Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty Lữ hành Việt)

Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty Sao Hà Nội)

Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Thuận An)

Nguyễn Thế Dũng (Giám đốc Công ty Sang Trọng)

Phạm Bích Hằng (1969, trú tại Hạ Đình,Thanh Xuân, HN)

18-24 tháng tù: Trần Hồng Hà (Giám đốc Công ty Sao Việt)

Trần Tiến (Giám đốc Công ty Phi Trường)

18-20 tháng tù: Phạm Bá Sơn (nhân viên Công ty Thái Hòa)

Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty CĐ Đường sắt)

12-18 tháng tù (hưởng án treo): Đào Thị Chung Thúy (trú tại Nguyễn Trãi, Hà Đông-HN)

* Đối với 4 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm:

5-6 năm tù: Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia)

4-5 năm tù: Nguyễn Lê Ngọc Anh (cựu cán bộ ĐSQ VN tại Malaysia)

Nguyễn Hoàng Linh (cựu cán bộ ĐSQVN tại Malaysia)

2-3 năm tù: Đặng Minh Phương (cựu kế toán ĐSQVN tại Malaysia)

* Đối với 4 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội "Môi giới hối lộ" đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm:

6-7 năm tù: Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc CA TP Hà Nội)

3-4 năm tù: Bùi Huy Hoàng (cựu CV Phòng KSBTN, CYTDP-Bộ Y tế)

2-3 năm tù: Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty TMDL Việt Nam)

Phạm Thị Kim Ngân (cán bộ Phòng Trị sự, TC Thanh tra)

* Đối với bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án:

19-20 năm tù với bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an.

* Đối với bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" “Đưa hối lộ” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án:

15-17 năm tù với bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CPXD Thái Hòa) trong đó từ 14-15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và từ 1-2 năm tù về tội “Đưa hối lộ.”

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

theo Việt Nam plus

Đại án 'chuyến bay giải cứu': Bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất 253 lần, mang tiền đi mua đất

Đại án 'chuyến bay giải cứu': Bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất 253 lần, mang tiền đi mua đất

Bị cáo Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, Kiên khai đã dùng tiền hối lộ chi hơn 10 tỷ để cho họ hàng vay, chi hơn 20 tỷ để đầu tư bất động sản và sửa chữa nhà cửa, còn lại để chi tiêu cá nhân.