Sáng 14/7, tại TAND TP. Hà Nội, các luật sư được quyền xét hỏi 54 bị cáo trong đại án chuyến bay giải cứu.
Người bào chữa cho bị cáo Phan Trung Kiên, cựu thư ký của một thứ trưởng Bộ Y tế hỏi nhóm cán bộ đưa hối lộ cho anh ta. Kiên bị cáo buộc lợi dụng vị trí của mình trong quá trình chuyển hồ sơ phê duyệt chuyến bay giải cứu, nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng, theo Dân Việt.
Trả lời câu hỏi của luật sư, nhiều người trong nhóm doanh nghiệp khai Kiên không yêu cầu họ phải đưa tiền cố định là 150 triệu đồng/chuyến. Có người khai bị cáo Vũ Anh Tuấn, cán bộ Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, yêu cầu họ chi cho anh ta 150 triệu đồng, cũng phải "đưa cho người của Bộ Y tế số tiền như vậy".
Riêng bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch Công ty Vijasun, khai Phan Trung Kiên ép buộc anh ta và nhiều người khác đưa tiền. Ông Dương cho hay lần đầu gặp thư ký thứ trưởng khi được Samsung và LG nhờ lên Bộ Y tế xin tiêm vaccine.
"Tôi nhớ từng chi tiết, bị cáo Kiên quát bị cáo Lê Hồng Sơn, nói to gấp rưỡi trong một phòng họp Bộ Y tế, yêu cầu phải chi mấy triệu một khách. Sơn nói như vậy cao, xin 100 triệu đồng/chuyến và Kiên đòi 150 triệu đồng/chuyến, đưa cho Kiên hay Tuấn ở Cục Xuất nhập cảnh cũng được", Dương khai.
Vị giám đốc nói thêm, thấy Kiên như vậy nên không báo lại việc tiêm vaccine với Giám đốc LG và Samsung bởi "không thể làm việc với một con người như vậy".
Về chuyến bay, công ty của Dương được cấp phép 17 chuyến và bị Kiên ép chuyển 150 triệu đồng/chuyến trước khi cấp phép. Anh ta khẳng định: "Tôi bị ép, công ty của tôi phải đưa tiền chứ tôi không muốn đưa".
"Cứ 8h30, tôi đến thang máy tòa nhà Lotte là Kiên gọi điện. Đang dịch COVID-19, cấm nghe điện thoại trong thang máy nhưng Kiên gọi liên tục, tôi phải cho nhân viên nghe. Nhân viên báo lại anh Kiên muốn gặp anh và Kiên lại đòi tiền. Anh ta gửi ảnh quyết định phê duyệt chuyến bay, nói thứ trưởng ký rồi, anh chuyển tiền thì có dấu", Dương khai.
Về phần mình, Phạm Trung Kiên nhiều lần bác bỏ việc ép buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền. Anh ta giải thích việc nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng bởi: "Các doanh nghiệp chủ động tìm đến, tự đưa ra mức chi thì bị cáo nhận".
Anh ta còn khai, do phạm tội nhận hối lộ, đối diện mức hình phạt tử hình nên bị căng thẳng và "chỉ muốn chết". Kiên do vậy được điều trị rối loạn tâm thần.
Trái với phiên xét xử ngày 12/7, đến ngày 13/7 bị cáo Kiên đã thừa nhận hành vi "đề xuất" chi tiền hối lộ từ các doanh nghiệp tham gia "chuyến bay giải cứu". Trước đó, Kiên từng khẳng định tại tòa không đòi hỏi, vòi vĩnh doanh nghiệp phải chi tiền.
"Một số doanh nghiệp sau khi được việc thì chủ động đề xuất khoản chi cảm ơn. Một số doanh nghiệp thì bị cáo có đề xuất mức động viên, hỗ trợ. Khi doanh nghiệp hỏi mức động viên, hỗ trợ là bao nhiêu, bị cáo nói các anh đưa cho đơn vị khác như thế nào thì cũng đưa cho chúng tôi như thế", bị cáo Phạm Trung Kiên khai, theo VOV.
Về khoản tiền nhận hối lộ lên tới 42,6 tỷ đồng, Kiên khai đã cho họ hàng vay hơn 10 tỷ đồng, chi hơn 20 tỷ để đầu tư bất động sản và sửa chữa nhà cửa, còn lại để chi tiêu cá nhân. Khi thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo cho ai vay, Kiên nói cho "một người chú họ tên là Đông vay 11 tỷ".
Dù cho vay số tiền lớn nhưng Kiên khai không nhớ tên họ của người chú này. Chủ tọa yêu cầu bị cáo Kiên xuất trình các giấy tờ, tài liệu về việc cho vay số tiền 11 tỷ đồng. Bị cáo Kiên nói sẽ thông qua luật sư, nhờ gia đình tìm lại những giấy tờ này.
Kiên khai đã dùng tiền hối lộ đầu tư đất đai tại Mũi Né (tỉnh Bình Thuận); Hoài Đức, Ba Vì (TP. Hà Nội). "Hai mảnh đất ở Hoài Đức, Ba Vì bị cáo đã bán để lấy tiền khắc phục hậu quả. Mảnh đất ở Mũi Né do bị cáo mua chung với một người bạn nữa nên chưa giao dịch được", Phạm Trung Kiên cho biết.
Tại tòa, vợ bị cáo Phạm Trung Kiên trình bày gia đình đã khắc phục hậu quả được 15 tỷ đồng. Vợ bị cáo Kiên xin chủ tọa cho thêm thời gian để bán nốt căn nhà đứng tên chung hai vợ chồng và cố gắng khắc phục nốt.
(Tổng hợp)