Cách nhau một màn hình điện thoại, một bàn phím máy tính, mạng xã hội chẳng biết mình là ai nên người ta có thể dễ dàng buông những lời miệt thị về phía nạn nhân. Đó không phải là tình huống hiếm gặp, bởi "Victim Blaming" đã xuất hiện từ rất lâu.
Khi bài đăng chia sẻ của một cô gái ở Thái Nguyên về lần gặp mặt hẹn hò đầu tiên bị đối phương sàm sỡ, phải giằng co chạy trốn cầu cứu người nhà đến đón bùng nổ trên mạng xã hội, điều đầu tiên người ta nhìn thấy không phải sự cảm thông hay thương xót cho nạn nhân.
Thứ người ta nhìn thấy nhiều nhất là những bình luận giễu cợt, mỉa mai. Không ít người để lại suy nghĩ của bản thân mình cho rằng cô gái ham vật chất, tại sao không chọn "người nghèo" đi xe máy, hẹn hò với người đi ô tô thì "xứng đáng" gặp trái đắng, dù sao cũng là "khóc trên ô tô còn hơn cười trên xe đạp".
Từ khi nào mà con người ta lại lạnh lùng và vô cảm đến như vậy. Núp sau màn hình điện thoại hay bàn phím may tính, nhiều người mặc sức cho mình cái quyền thể hiện quan điểm cá nhân mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.
Rốt cuộc, sau những hành động thiếu đứng đắn, kẻ gây tội lại được những "người cùng phe" bào chữa giúp mình, còn nạn nhân lại trở thành tâm điểm chỉ trích. Chẳng hạn, như trong trường hợp cô gái hẹn hò gặp mặt lần đầu với đối phương sau 1 tuần nhắn tin, chỉ vì đối phương đi ô tô mà cô gái bị không ít người giễu cợt.
Dù bạn là bất cứ ai, khi hẹn hò bạn đều muốn chọn được một đối tượng phù hợp, điều kiện ổn định, đó là điều rất bình thường. Thế nhưng người ta không nhìn vào hành động thiếu đàng hoàng của anh chàng bác sĩ trong bài đăng, mà người ta tập trung vào mỉa mai, cười cợt sự lựa chọn của cô gái. Rằng việc chọn hẹn hò với người đi ô tô thì đó là điều cô phải "trả giá". Dù đúng, dù sai, dù tốt, dù xấu, người chịu thiệt cuối cùng là nạn nhân khi liên tiếp chịu nhiều tổn thương không đáng có.
Vốn dĩ gặp phải một đối tượng có phần biến thái, thiếu đàng hoàng, nạn nhân đã phải chịu tổn thương tâm lý và sự hoảng loạn có thể kéo dài. Dẫu vậy, cô vẫn chia sẻ câu chuyện của mình, dùng sự dại dột của mình để cảnh tỉnh những cô gái khác không gặp phải tình huống tương tự.
"Victim Blaming" được hiểu là những lời nói, hành động hay cách đối xử của một người với nạn nhân nhằm trực tiếp thể hiện hoặc ngụ ý các hành động làm hại/ảnh hưởng tiêu cực đến nạn nhân như tấn công, lạm dụng, quấy rối tình dục là hệ quả mà nạn nhân đã gây ra trong quá khứ. Thay vì quy trách nhiệm cho thủ phạm, nhiều người lại đổ lỗi cho nạn nhân vì cho rằng họ xứng đáng phải chịu.
Chính vì chịu tổn thương nhiều lần, nạn nhân cũng có thể tự đổ lỗi cho chính mình. Và đương nhiên, ở một góc độ nào đó, họ cũng phải chịu trách nhiệm trước tình huống xấu đã xảy ra với họ.
Nói về xu hướng này, Giáo sư Barbara Gilin, Đại học Widener đã giải thích rằng: "Bất kì một tội ác nào cũng sẽ khiến nhiều người có xu hướng Victim Blaming. Điều này bắt nguồn từ cơ chế tự phòng vệ khi đối mặt với những tin xấu". Gilin cho rằng khi mọi người có xu hướng chấp nhận rủi ro cùng những nguy hiểm là điều luôn tồn tại và không thể tránh khỏi, họ sẽ muốn kiểm soát nhiều hơn việc liệu họ có trở thành nạn nhân tiếp theo hay không và liệu họ có thể làm gì để bảo vệ bản thân mình. Đặt bản thân ở vị trí của một người có nguy cơ trở thành "nạn nhân tiếp theo", họ sẽ cố gắng tìm ra "lỗi lầm" của "nạn nhân trước mắt" như một cách "rút kinh nghiệm" và cố gắng không "mắc phải" để tránh điều xấu.
Còn chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương cho biết: "Dù là những câu nói khá dã man với nạn nhân nhưng họ cho rằng bản thân có góc nhìn đa chiều về vấn đề đó, thay vì thương cảm cho nạn nhân, nhìn nhận vấn đề để phòng tránh. Cách nói không phải ý phòng tránh mà là ý thể hiện hơn người. Tỷ lệ những người chịu sự chỉ trích mà gặp vấn đề trầm cảm là cực cao. Họ thường sẽ phải vượt qua khoảng thời gian trầm cảm như thế. Vết thương lòng đó sẽ không bao giờ xóa bỏ được, đặc biệt với những đứa trẻ bị chỉ trích theo dạng con không bao giờ khá được hoặc đương nhiên con là đứa dốt, đứa kém. Những câu nói đó còn hủy diệt cả sự tự tin, khiến những đứa trẻ không vượt qua được".
Khi nạn nhân phải gánh chịu việc bị oan trái đổ lỗi hoặc tự đổ lỗi cho chính mình, họ sẽ phải đối mặt với nỗi đau tinh thần không cần thiết và cực kỳ rối ren. Sức khỏe tâm thần của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao trùm lên là cảm giác nhục nhã và tội lỗi nặng nề khi họ trở thành đối tượng của những lời giễu cợt không công bằng. Điều này không chỉ cản trở quá trình tự chữa lành mà còn làm độc hại đến suy nghĩ của họ. Đồng thời việc đổ lỗi cũng ngăn nạn nhân tiếp cận với sự hỗ trợ và giúp đỡ mà họ xứng đáng có. Họ sẽ phải chứng kiến cảnh những kẻ phạm tội trốn thoát được sự trừng phạt thay vì nhận được sự công bằng mà họ đáng được nhận.
Xôn xao MXH: Chàng bác sĩ đi xế hộp giở trò sờ soạng ngay lần đầu gặp mặt khiến cô gái hoảng loạn bỏ chạy, phải gọi mẹ đến cứu
Mới nhắn tin một tuần, trong lần đầu gặp mặt, người đàn ông này đã động chạm thân thể khiến bạn nữ phải hoảng loạn chạy trốn.