Chia sẻ với Zing, bà Ngọc Lệ, vợ cũ nhạc sĩ Vinh Sử cho biết ông trút hơi thở cuối cùng vào 3h08 ngày 10/9 tại bệnh viện, hưởng thọ 78 tuổi. "Ông ra đi thanh thản, không còn đau đớn bệnh tật nữa", bà nói qua điện thoại.
Trước đó vài ngày, "vua nhạc sến" còn nhận biết được, có thể gật đầu khi được hỏi đến. "Mấy ngày qua, ông ấy phải thở máy nên không nói được gì, ra đi cũng không lời trăn trối", bà Lệ nói.
Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà riêng ở quận Bình Tân, TP.HCM trong 4 ngày (10-14/9). Lễ di quan diễn ra vào sáng 15/9 và an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.
Nhạc sĩ Vinh Sử nhập viện từ cuối tháng 7 do bị nhiễm trùng phổi, xuất huyết bao tử. Hàng ngày, ông phải truyền máu, thức ăn qua đường ống.
Bà Ngọc Lệ, vợ cũ nhạc sĩ Vinh Sử cho biết ông bị ung thư trực tràng gần 10 năm qua. "Tháng nào ông cũng vào bệnh viện, mỗi đợt khoảng 5-10 ngày. Nhưng đợt này ông ấy bị nặng nhất", theo Zing.
Nhạc sĩ Vinh Sử tên thật là Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944. Sinh thời, ông được giới mộ điệu đặt cho danh xưng "vua nhạc sến", với hàng ngàn ca khúc bolero trữ tình, quê hương đã đi vào lòng bao thế hệ, như Gõ cửa trái tim, Yêu người chung vách, Đêm lang thang, Nhẫn cỏ cho em, Chuyến xe lam chiều, Nhành cây trứng cá, Phu kéo mo cau, Làm dâu xứ lạ, Cầu tre kỷ niệm, Mưa bụi, Vòng nhẫn cưới, Hai bàn tay trắng......
Thời hoàng kim, có lúc ông đứng trên đỉnh cao danh vọng, tiền xài tính bằng "cây vàng" mỗi ngày. Trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, Vinh Sử nhiều lần lâm vào nợ nần, phải ở nhà thuê.
Nhạc sĩ Vinh Sử từng có 4 người vợ. Khi về già, ông sống một mình trong căn nhà nhỏ ở TP.HCM. Nhạc sĩ tự nấu ăn, thăm khám ở bệnh viện.
Năm 2011, nhạc sĩ Vinh Sử mắc bệnh ung thư trực tràng, sức khỏe giảm sút. Từ ngày phát bệnh, khối u liên tục di căn khiến nhạc sĩ phải mổ đến 5 lần. Gần nhất vào năm 2020, ông đã cắt sạch những đoạn ruột còn sót lại, theo Dân trí.
Những năm qua, kinh tế gia đình nhạc sĩ Vinh Sử khó khăn. Vợ chồng ông cầm cự qua ngày bằng tiền tác quyền ít ỏi. Cuối tháng 7, ông phải tái nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định vì nhiều bệnh nặng dồn dập tái phát.
Trong một bài phỏng vấn trên Zing, tác giả Nhẫn cỏ cho em tâm sự ông không sợ bệnh tật, chỉ sợ mình không còn sáng tác được nữa. Với ông, âm nhạc là cuộc đời, là thuốc mỗi khi đau ốm. Chính trong những ngày đau bệnh, ông viết được nhiều nhất.
Ông nói: "Cuộc sống của tôi không còn bao nhiêu nữa, người nhạc sĩ như tôi luôn khao khát có được đêm nhạc riêng bởi tôi cảm thấy vinh hạnh, hạnh phúc khi người ta vẫn còn nhớ đến nhạc của mình".
(Tổng hợp)