WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Động thái của WHO nhằm khiến các quốc gia phải nghiêm túc với COVID-19. Sau cảnh báo, quốc tế đã lao vào cuộc đua sản xuất vắc xin và phương pháp điều trị.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, WHO chính thức tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu từ ngày 5-5, song cảnh báo căn bệnh này sẽ không bao giờ biến mất.

"Hôm qua, ủy ban khẩn cấp đã họp lần thứ 15 và đề nghị tôi tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu (PHEIC) với COVID-19. Tôi đã chấp nhận lời khuyên đó", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus xác nhận. 

Theo người đứng đầu WHO, đại dịch đang có xu hướng lắng xuống trong khi miễn dịch từ nhiễm bệnh và vaccine của người dân ngày càng tăng. Ngoài ra, tỷ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước.

Điểm xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế Toronto Pearson ở Mississauga, Ontario, Canada, vào ngày 21.12.2021. Ảnh: Xinhua
Điểm xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế Toronto Pearson ở Mississauga, Ontario, Canada, vào ngày 21.12.2021. Ảnh: Xinhua

WHO cảnh báo COVID-19 là PHEIC vào ngày 30-1-2020. Đây là mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này với bệnh truyền nhiễm. Việc dỡ bỏ cảnh báo PHEIC với COVID-19 là một dấu hiệu cho thấy thế giới đã đạt được tiến bộ trong đối phó bệnh. 

Dù vậy, WHO cho biết COVID-19 sẽ không bao giờ biến mất, ngay cả khi nó không còn là tình trạng khẩn cấp nữa.

"COVID-19 đã thay đổi thế giới và nó đã thay đổi chúng ta. Nếu chúng ta quay lại mọi thứ như trước COVID-19, chúng ta sẽ không rút ra được bài học của mình và khiến thế hệ tương lai của chúng ta thất bại", ông Ghebreyesus nêu vấn đề.

Theo dữ liệu của WHO, tỉ lệ tử vong đã chậm lại từ mức cao nhất là hơn 100.000 người mỗi tuần vào tháng 1-2021 xuống chỉ còn hơn 3.500 người trong tuần tính đến ngày 24-4-2023.

Hiện, số ca mắc mới tăng đột biến ở Trung Đông, Đông Nam Á và Ấn Độ, nguyên nhân do biến chủng phụ XBB.1.16 của Omicron gây ra. Dù góp phần làm tăng đột biến số ca mắc mới, biến chủng không làm gia tăng số người chết, WHO báo cáo. Thực tế, các trường hợp tử vong đã giảm 95% kể từ tháng 1.

PHEIC tạo ra một thỏa thuận giữa các quốc gia tuân thủ các khuyến nghị của WHO. Mỗi quốc gia tự tuyên bố tình trạng của riêng mình. Mỹ sẽ là nước kế tiếp tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn với COVID-19 từ ngày 11-5 tới.

Thanh Mai

Ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc cải tổ khi giá lao dốc

Ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc cải tổ khi giá lao dốc

Các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với nhu cầu yếu hơn và sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất nước ngoài, theo Nikkei.