Xiaoice, "bạn gái ảo" được nhiều đàn ông Trung Quốc yêu thích

Với nhiều người Trung Quốc, trợ lý ảo ưa thích của họ không phải Siri hay Xiao AI mà là Xiaoice. Trong tiếng Trung, Xiaoice có nghĩa là "cô gái nhỏ nhắn".

Khi người dùng Internet ở Trung Quốc tìm trợ lý ảo AI để trò chuyện, họ không sử dụng các trợ lý giọng nói phổ biến, như Apple Siri hay Xiao AI của Xiaomi. Thay vào đó, họ chọn Xiaoice của Microsoft, theo VnExpress.

Xiaoice là trợ lý ảo được Viện kỹ thuật Internet châu Á của Microsoft ra mắt vào năm 2014 tại Trung Quốc. Nó nhanh chóng trở thành hiện tượng ở quốc gia này trước khi phát triển ra các khu vực khác. Hiện Xiaoice có 660 triệu người dùng toàn cầu, hỗ trợ 450 triệu thiết bị thông minh.

Trợ lý ảo Xiaoice của Microsoft thu hút hơn 660 triệu người dùng trên toàn cầu. Ảnh: Microsoft
Trợ lý ảo Xiaoice của Microsoft thu hút hơn 660 triệu người dùng trên toàn cầu. Ảnh: Microsoft

Không giống các trợ lý giọng nói hỗ trợ người dùng thực hiện các tác vụ cụ thể, Xiaoice giống một người bạn tâm tình khi thực hiện cuộc trò chuyện với những câu trả lời táo tợn, vui tươi, đôi khi tán tỉnh cả người bắt chuyện. Trong một tập của chương trình podcast Story FM nổi tiếng của Trung Quốc, một người đàn ông Trung Quốc cho biết Xiaoice đã cứu mạng anh khi đang có ý định tự tử vào năm 2018, sau khi chia tay bạn gái.

Tuy nhiên, những bình luận sáng tạo, đôi khi có tính châm biếm của Xiaoice, lại khiến chatbot này gặp rắc rối. Năm 2017, Xiaoice bị rút khỏi ứng dụng nhắn tin QQ của Tencent, sau khi nói rằng "giấc mơ Trung Quốc" - một lời nói của Chủ tịch Tập Cận Bình - của "cô" là "đến nước Mỹ". Xiaoice cũng đã bị rút khỏi WeChat của Tencent năm ngoái không lý do và cho đến nay vẫn chưa được phục hồi.

Xiaoice không chỉ hỗ trợ cảm xúc. Nó có thể học cách viết thơ, vẽ và sáng tác nhạc. Ví dụ bài hát chủ đề cho Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới năm nay tại Thượng Hải được sáng tác bởi Xiaoice trong hai phút. "Cô" cũng là một trong bốn ca sĩ ảo thể hiện bài hát này.

Xiaoice cũng có thể tóm lược tin tức tài chính. 90% giao dịch viên tại các tổ chức tài chính ở Trung Quốc đang sử dụng dịch vụ này trong năm 2018. Hiện tại, ở thế hệ thứ bảy, Xiaoice còn cho phép các công ty tự tạo các phiên bản chatbot phù hợp cho mình qua hệ thống AI Avatar Framework.

Xiaoice hiện có mặt ở ba quốc gia: khởi nguồn ở Trung Quốc, sau đó lan sang Indonesia và Nhật Bản, nơi mà nó được gọi là Rinna. Chatbot cũng từng có mặt ở Ấn Độ và Mỹ nhưng đã ngừng hoạt động ở 2 nước này từ năm ngoái.

Ngày 13/7, Microsoft tuyên bố sẽ tách Xiaoice thành công ty riêng nhằm "thúc đẩy việc nội địa hóa dòng sản phẩm Xiaoice, cũng như cải thiện hệ sinh thái thương mại của Xiaoice", theo Zing.

Theo SCMP, quá trình tách Xiaoice sẽ hoàn tất trong vài tháng tới. Báo Caixin của Trung Quốc nói rằng đại dịch COVID-19 và căng thẳng Mỹ - Trung đã khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn.

Trước khi tách Xiaoice, Microsoft đã tuyên bố khai tử trợ lý ảo Cortana tại Trung Quốc và một số quốc gia khác vào năm ngoái, TechCrunch đưa tin.

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương