Mặc dù chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 trong quý III/2021, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả ở mức cao trong nửa đầu năm 2021 đã góp phần thúc đẩy ngành hàng rau tăng trưởng khá trong năm 2021. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã năng động, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo xu hướng thị trường, góp phần thúc đẩy ngành rau quả vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tích cực trong năm 2021.
Cụ thể, quả tươi chiếm 66,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong 11 tháng năm 2021, giảm 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, thanh long là chủng loại quả xuất khẩu chính, tuy nhiên trị giá xuất khẩu chủng loại quả này giảm trong 11 tháng năm 2021. Xuất khẩu thanh long chủ yếu sang Trung Quốc, chiếm 89,7% tổng trị giá, đạt 837 triệu USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, trị giá xuất khẩu quả thanh long sang các thị trường như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hà Lan, Hàn Quốc đều tăng.
Ngược lại, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhiều chủng loại quả trong 11 tháng năm 2021 lại tăng nhanh như: Quả xoài đạt 245,2 triệu USD, tăng 21,1%; quả chuối đạt 217,9 triệu USD, tăng 46%; quả sầu riêng đạt 166,6 triệu USD, tăng 47,1%...
Trong khi đó sản phẩm rau quả chế biến chiếm 25,6%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Sản phẩm rau quả chế biến luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 831,2 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020. Sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Trung Quốc, đạt 225,6 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trong khi xuất khẩu hàng rau quả tươi sang Trung Quốc gặp khó khăn, doanh nghiệp ngành rau quả của Việt Nam chuyển dịch sang xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến.
Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 97,8 triệu USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020; tới Nhật Bản đạt 75,6 triệu USD, tăng 10,4%; tới Nga đạt 51,4 triệu USD, tăng 30,4%...