Xuất khẩu tiêu 3 tháng cuối năm được dự báo tăng

Giá tiêu hôm nay 4/10 không có nhiều biến động tại các địa phương trồng tiêu trọng điểm và dao động trong khoảng từ 80.000 - 82.500 đồng/kg.

Cụ thể, tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 82.500 đồng/kg; tại Đồng Nai và Gia Lai là 80.000 đồng/kg.

Tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo), dao động trong mức 80.500 đồng/kg; tại Bình Phước là 82.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại sàn Kochi, Ấn Độ ở mức 41.300 rupee/tạ.

75018563-various-spices-on-wooden-spoons-food-ingredients.jpg

Giá hồ tiêu so với đầu năm đang tăng trưởng rất ấn tượng, tuy nhiên, đối với người trồng lại không được hưởng lợi nhiều.

Nông dân phản ánh rằng nhiều loại phân bón tăng từ 50%-80% so với trước đại dịch, giá chuyên chở hàng hóa đường bộ tăng, lương lao động tăng,… do vậy người trồng không thể nào chấp nhận bán giá thấp.

Ghi nhận thực tế, hiện lượng tiêu tồn trong dân không còn nhiều. Dự báo xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ tăng sau quãng thời gian trì trệ vì đại dịch COVID-19.

Mỹ là thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất thế giới với 43.555 tấn, tăng 15,2% so cùng kỳ. Nhập khẩu mặt hàng này cũng tăng ở các thị trường Canada, Guatemal. El Salvador,...

Nhập khẩu hồ tiêu ở khu vực châu Âu tăng 4,4%, trong đó, đứng đầu là thị trường Đức 8.377 tấn, tăng 5,6%; Hà Lan 6.247 tấn, tăng 13%; Anh 4 235 tấn, tăng 10,8%,...

Nhập khẩu cũng tăng ở Pháp, Ireland, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy,... nhưng giảm ở Ba Lan, Tây Ban Nha, Ukraine.

Trong khi đó, nhập khẩu hồ tiêu của châu Á giảm 6,3%, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc giảm 8% đạt 35.444 tấn. Nhập khẩu của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất tăng mạnh 58,2%, đạt 12.727 tấn và duy trì vị thế thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ 2 tại châu Á.

Nhập khẩu của Ấn Độ đạt 10.280 tấn, tăng 3.6%; Pakistan: 9.297 tấn, tăng 15%; Philippine, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,... là các nước có lượng nhập khẩu giảm.

Khu vực châu Phi nhập khẩu giảm 32,8%, trong đó Ai Cập giảm 41.2% đạt 4.340 tấn. Nhập khẩu cũng giảm ở Senegal, Gambia, Tunisia,... và tăng ở Nam Phi, Mauritania, Ghana...

HẢI MY