Ấn Độ loại Huawei và ZTE khỏi kế hoạch triển khai mạng 5G

Tập đoàn công nghệ viễn thông lớn Huawei và ZTE của Trung Quốc bị gạch tên khỏi dự án phát triển hạ tầng 5G ở thị trường quan trọng Ấn Độ khi quan hệ giữa 2 quốc gia xuống mức thấp nhất trong 4 thập kỷ sau các cuộc đụng độ biên giới.

Tờ Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, quốc gia Nam Á sẽ áp dụng các quy tắc đầu tư được sửa đổi vào ngày 23/7 với lý do lo ngại về an ninh quốc gia để hạn chế các nhà thầu từ các quốc gia nhằm hạn chế các nhà thầu từ những nước có chung biên giới đất liền với quốc gia Nam Á này trong các dự án sắp tới.

Bộ Truyền thông Ấn Độ cho biết sẽ khởi động lại các cuộc thảo luận về việc phê duyệt thử nghiệm mạng 5G với sự tham gia của các công ty tư nhân bao gồm Bharti Airtel Ltd, Reliance Jio Infocomm Ltd và Vodafone Idea Ltd. Tiến trình thảo luận này vốn bị trì hoãn vì lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch COVID-19. 

Theo thông tin từ các quan chức Ấn Độ, quá trình đấu giá 5G có thể kéo dài sang năm sau. Quyết định về lệnh cấm dự kiến được công bố trong một hoặc hai tuần sau khi được văn phòng thủ tướng phê duyệt.

  Biểu tượng của Huawei và mạng 5 G tại Diễn đàn băng thông rộng di động toàn cầu lần thứ 10 ở Zurich, Thụy Sĩ, ngày 15/10/2019. Ảnh: AFP.

Biểu tượng của Huawei và mạng 5 G tại Diễn đàn băng thông rộng di động toàn cầu lần thứ 10 ở Zurich, Thụy Sĩ, ngày 15/10/2019. Ảnh: AFP.

Căng thẳng biên giới

Ấn Độ chính thức đồng ý cho Huawei tham gia các thử nghiệm mạng 5G trong tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, lập trường của nước này trở nên cứng rắn hơn, “gã khổng lồ” viễn thông này cùng nhiều công ty hàng đầu Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau cuộc đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng ở vùng biên giới hồi đầu tháng 6. 

Tiếp đến, vào cuối tháng 6, Ấn Độ cấm TikTok và hơn 50 ứng dụng từ Trung Quốc. Theo đó quyết định cấm các ứng dụng này là để bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của 1,3 tỷ công dân của Ấn Độ, ngăn chặn thứ công nghệ "ăn cắp và lén lút truyền dữ liệu của người dùng theo cách không được phép tới các máy chủ bên ngoài Ấn Độ".

Mặc dù thông báo của chính phủ ban hành lệnh cấm không đề cập rõ theo tên, nhưng đây chỉ là các ứng dụng từ các nhà phát triển Trung Quốc đã bị đưa vào "danh sách đen." Trong đó,TikTok là ứng dụng hiện có hơn 200 triệu người dùng tại Ấn Độ và là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở nước này.

Ảnh:  Bloomberg
Ảnh:  Bloomberg

Nikhil Batra, nhà phân tích tại International Data Corp có trụ sở tại Sydney cho biết: “Cơ sở hạ tầng viễn thông đã trở thành một phần của tài sản an ninh quốc gia và các quốc gia đang xem xét việc kiểm soát và điều tiết chúng giống như đối với nguồn điện và nước”, và các vấn đề về quy định. Thị trường thiết bị mạng là một thị trường không nhỏ. Vì vậy, những thách thức của Ấn Độ sẽ cộng dồn từ một quyết định như vậy ”.

IDC ước tính, các công ty viễn thông sẽ đầu tư 4 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng 5G. Quyết định trên có thể gây bất lợi cho nhiều doanh nghiệp Ấn Độ khi tiếp tục nỗ lực tạo ra lợi nhuận từ mạng 4G hiện tại, vốn đã phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị Trung Quốc. Rajiv Sharma - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại SBICAP Securities cho biết, việc ngăn chặn Huawei và ZTE có thể làm tăng chi phí chuyển sang 5G lên tới 35%.

Huawei sẽ đối mặt với viễn cảnh bị thụt lùi tại thị trường không dây lớn thứ hai thế giới, khi Reliance Jio Infocomm đặt ra những thách thức mới. Tỷ phú Mukesh Ambani hôm 15/7 công bố kế hoạch sớm triển khai mạng 5G bằng cách sử dụng công nghệ được phát triển nội bộ.

Theo Bloomberg, người giàu nhất châu Á khẳng định tập đoàn của ông không tốn quá nhiều chi phí để chuyển sang hạ tầng mới, khác với một số đối thủ. Điều này giúp hãng tránh bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị liên quan đến các nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc.

Tuy nhiên, với việc nền kinh tế của Ấn Độ đang có xu hướng "sụt giảm sâu" trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày càng trở nên tồi tệ, vì thế chính phủ nước này có thể không có khả năng thúc đẩy đấu giá băng tầng 5G trong tương lai gần.

NGỌC CHÂU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương