Bác sĩ trước giờ khởi hành đón 120 ca Covid-19 trở về từ châu Phi

Chuyến bay có tới 120 ca Covid-19 đã được xác định, trong đó chắc chắn có khoảng 7 đến 10 ca có biểu hiện nặng.

Chuyến bay đón đoàn 219 công dân Việt từ Guinea Xích Đạo về nước với 120 người mắc Covid-19 sẽ chính thức khởi hành từ sân bay Nội Bài vào 7h sáng mai 28/7. Tất cả sẽ được cách ly ngay khi nhập cảnh, theo Vietnamnet.

Chuyến bay rất đặc biệt, các bác sĩ cho biết rất sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ đón bệnh nhân, không để nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng.

Đoàn công tác của Bệnh viên Bệnh nhiệt đới Trung ương gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng do Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Khoa Cấp cứu dẫn đầu đang gấp rút chuẩn bị những khâu cuối cùng cho chuyến đi.

Các nhân viên y tế đều là nam giới trực thuộc Khoa Cấp cứu, là những người có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề xử trí cấp cứu bệnh nhân.

Bác sĩ Hùng cho biết, tuy có chút lo lắng bởi nguy cơ lây nhiễm trong chuyến bay rất cao nhưng các bác sĩ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đón bệnh nhân, không để lây nhiễm virus nCoV ra cộng đồng.

“Không gian của máy bay rất hẹp trong khi số lượng bệnh nhân dương tính lại chiếm tới hơn 50%. Bởi vậy, nồng độ đậm đặc của virus trong không khí đặc biệt cao, nguy cơ lây bệnh là rất lớn. Chúng tôi đã xác định mình có thể bị lây nhiễm và sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viên Bệnh nhiệt đới Trung ương 
Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viên Bệnh nhiệt đới Trung ương 

Bác sĩ Hùng cũng tâm sự, các y bác sĩ Khoa Cấp cứu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 ngay từ thời điểm Tết Nguyên Đán, khi Việt Nam ghi nhận các ca bệnh đầu tiên trở về từ Vũ Hán. Bởi vậy, gia đình anh đã hiểu tính chất công việc và quen với những đợt anh vắng nhà.

Tuy nhiên, chuyến công tác lần này vô cùng đặc biệt nên người thân anh, đặc biệt là bố mẹ không tránh khỏi sự lo lắng. “Tôi đã cố gắng động viên gia đình để mọi người an tâm hơn”, anh Hùng nói.

Khác với bác sĩ Hùng, một điều dưỡng cùng có mặt trên chuyến bay tâm sự, anh vẫn chưa thể nói về chuyến đi với người thân.

“Tôi phải dối rằng đợt này tôi vào bệnh viện chuẩn bị cho “chiến dịch mới”. Trước đây khi ở lại viện cách ly đợt đầu, cả nhà đã rất lo lắng. Lần này, tôi không muốn mọi người lại bất an”, nam điều dưỡng chia sẻ.

Trước ngày lên đường, anh cho biết đang khá hồi hộp vì không rõ các diễn biến trên chuyến bay có theo đúng kịch bản kíp đã đề ra hay không. Tuy nhiên, anh và các đồng nghiệp sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng thông tin, chuyến bay có tới 120 ca Covid-19 đã được xác định, trong đó chắc chắn có khoảng 7 đến 10 ca có biểu hiện nặng. Chính bởi vậy, trang thiết bị các bác sĩ mang theo có phần đặc biệt hơn những chuyến bay đón công dân Việt khác.

Ngoài 2 máy thở, 2 máy khí dung, các monitor theo dõi, nhân viên y tế cũng chuẩn bị thêm bộ đặt ống nội khí quản, bình oxy và 2 chiếc cáng để sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng.

Vật tư, trang thiết bị y tế đang được nhân viên y tế chuẩn bị để mang lên máy bay 
Vật tư, trang thiết bị y tế đang được nhân viên y tế chuẩn bị để mang lên máy bay 

Khi tiếp nhận các bệnh nhân lên khoang máy bay, kíp sẽ tiến hành sàng lọc, phân chia mức độ nặng nhẹ, ưu tiên các trường hợp nặng lên hàng ghế phía trên để kịp thời ứng biến nếu có biến cố xảy ra. Nhiệm vụ của các bác sĩ, điều dưỡng đã được phân công chi tiết. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng cho biết kíp sẽ linh hoạt ứng biến trong từng tình huống cụ thể trên máy bay.

Theo kế hoạch ban đầu, chuyến bay dự kiến khởi hành hôm 3/8. Lịch bay đẩy lên sớm hơn gần 1 tuần khiến khâu chuẩn bị của y bác sĩ phải khẩn trương hơn rất nhiều, không chỉ là vật tư, thuốc men mà còn là các phương án bảo hộ để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Bác sĩ Hùng chia sẻ, hiện mọi thứ đã được lo liệu tương đối đầy đủ. Kíp sẽ tiến hành rà soát thêm một lần cuối các trang thiết bị trước khi chính thức lên đường vào sáng sớm mai.

““Đây là chuyến bay đón công dân đầu tiên với số lượng bệnh nhân Covid-19 rất lớn. Chúng tôi sẽ làm việc với tinh thần cao nhất, tất cả vì người bệnh và sự an toàn cho cộng đồng”, bác sĩ Hùng tâm sự.

Sáng 28/7, máy bay chở 4 bác sĩ sẽ cất cánh sang Guinea đón 219 công dân, với thiết kế chưa từng có: lắp buồng áp lực dương."Buồng áp lực dương được sáng tạo để đáp ứng nhu cầu cá nhân của phi hành đoàn và giảm thiểu lây nhiễm trong suốt chuyến bay", bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trưởng nhóm bác sĩ đến Guinea Xích Đạo, cho biết.

Buồng được làm từ khung nhựa, nilon và máy lọc khí, trọng lượng 7-8 kg. Thao tác tháo, lắp buồng áp lực dương đơn giản, chỉ trong 5-7 phút. Buồng hoạt động theo nguyên lý được thổi không khí từ bên ngoài vào qua một hệ thống máy lọc, giúp làm sạch không khí, cản 99% virus, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Hệ thống máy lọc dành cho buồng áp lực dương cũng được sáng tạo theo yêu cầu của bác sĩ.

 

btl (t/h)

Ai phải khai báo y tế sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng

Ai phải khai báo y tế sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng

Những ai đã từng đi qua các địa điểm dưới đây cần khai báo y tế, chủ động cách ly tại nhà để đảm bảo không lây nhiễm COVID-19 đến cộng đồng.