Bộ Lao động Thương binh Xã hội: "Số lao động mất việc có thể tăng 70.000 mỗi tháng"

Bộ LĐ TB- XH đã tính đến kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng.

Trả lời phỏng vấn của VnExpress, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Lê Văn Thanh cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.000, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng quý 2 năm 2020, người thất nghiệp trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) là khoảng 1,3 triệu, tăng 192.800 người so với quý 1 năm 2020 và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị quý 2 là 4,46%, tăng 1,28 điểm phần trăm so với quý trước và 1,36 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của khu vực này trong vòng 10 năm qua.

  Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh. Ảnh: T.V.G

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh. Ảnh: T.V.G

Mặc dù vậy, thị trường lao động Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, minh chứng là riêng tháng 6 đã có thêm 120.000 lao động được giải quyết việc làm. Lao động ở các ngành nghề bị dừng việc nay đã trở lại. 

Theo ông Thanh, nguyên nhân của việc có đên 1,3 triệu lao động thất nghiệp trong 3 tháng gần đây có rất nhiều, ví dụ như người mới bước vào thị trường, cần thời gian tìm việc; người không đáp ứng được nhu cầu của chủ sử dụng nên không được tuyển hoặc bị sa thải; giữa người lao động và chủ sử dụng không đạt được thỏa thuận về việc làm (vì lý do tiền lương, thời giờ, thời gian làm việc, các chế độ...); người lao động đang làm việc muốn chấm dứt hợp đồng để tìm việc tốt hơn; doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể, phá sản, ngừng sản xuất kinh doanh và sa thải lao động...

Ngoài ra còn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lây lan nhanh ở các nước đặc biệt là các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, liên minh châu Âu EU, Mỹ. Điều này khiến chuỗi cung ứng bị "đứt gãy", thị trường tiêu thụ hẹp đi, không có nguyên liệu và đơn hàng để làm. Hơn nữa dịch bệnh cũng khiến nhiều nhà máy, xí nghiệp dừng hoạt đông, các ngành dịch vụ, sản xuất bị ảnh hưởng... 

Về dự báo thất nghiệp có thể rơi vào cuối năm, Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội cho biết tình hình dịch bệnh trong nước đang phúc tạp, diễn biến ở các khu vực trọng điểm là Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc vẫn chưa chuyển biến tích cực, nguy cơ lây lan cao... ảnh hưởng đến kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Dự báo trong quý 3/2020, xuất khẩu của Việt Nam bị hạn chế do các đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Mặt khác, nguyên nhiên liệu cần trong sản xuất bị cạn kiệt dần.

Cục Việc làm của Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã tính đến kịch bản xấu nhất là thời gian tới là số lao động mất việc có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người. Chưa kể là nền kinh tế thế giới cũng đang suy giảm nghiêm trọng. 

Trung ương và Bộ Lao động Thương binh Xã hội xác định cùng lúc phải hỗ trợ cả doanh nghiệp và người lao động. Chỉ khi doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh thì người lao động mới không bị thất nghiệp.

Chính phủ đang cải cách thủ tục hành chính, đưa các dịch vụ lên cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thông thoáng, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời, các chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp, thời hạn cho vay dài và điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Doanh nghiệp cũng được giảm thuế, giảm phí, hoãn nộp thuế... để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng đã kiến nghị sửa đổi một số điều kiện để doanh nghiệp tiếp cân gói hỗ trợ theo nghị quyết 42 và quyết định 15 như vay 50% tiền lương cho lao động, giảm bớt các điều kiện vay.

Trong đợt dịch trước, Bộ cũng đã đề nghị tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho doanh nghiệp và người lao động đến hết tháng 6/2020, nhưng nay dịch vẫn diễn biến phức tạp nên tiếp tục kiến nghị dừng đóng thêm sáu tháng nữa.

Các cơ quan của Bộ cũng tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình việc làm, nhu cầu của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh. Những điều náy sẽ giúp ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo đảm đời sống người lao động.

Theo nghị quyết 42 và quyết định 15, các địa phương cũng đã hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng Covid-19 và hiện đang tiếp tục rà soát đảm bảo người khó khăn, bị ảnh hưởng được hưởng quyền lợi. Bộ cũng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung nghị quyết và quyết định nói trên để mở rộng nhóm hỗ trợ, giảm bớt thủ tục hành chính và điều kiện thụ hưởng.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo tính khả thi để mở rộng diện bao phủ đến những người dân cần được trợ giúp.

"Chúng tôi sẽ sử dụng một khoản tiền trong quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động phù hợp với tình hình thực tế", ông Lê Văn Thanh nói. 

Thanh Mai

Việt Nam có gần 31 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi covid-19

Việt Nam có gần 31 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi covid-19

Theo nhận định, số lao động mất việc còn có khả năng tăng nếu không thực hiện quyết liệt các giải pháp.