WHO cảnh báo thế giới sẽ phải học cách sống chung với COVID-19

Tổ chức y tế thế giới (WHO) ngày 31/7 cảnh báo mặc dù các nỗ lực phát triển vắc xin đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, nhưng thế giới phải học cách sống chung với COVID-19 và chiến đấu với nó bằng các công cụ mà chúng ta có.

Phát biểu tại một buổi họp báo ở Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros nói rằng người trẻ tuổi cần phải nhận ra rằng họ cũng có thể bị nhiễm bệnh và mất mạng vì virus này. 

"Bằng chứng cho thấy các vụ tăng mạnh số ca nhiễm bệnh tại một số quốc gia, một phần là do những người trẻ trở nên chủ quan trong mùa hè ở khu vực bắc bán cầu. Chúng tôi đã nói trước đó và chúng tôi sẽ nhắc lại một lần nữa - người trẻ không hoàn toàn được an toàn", ông Tedros nói.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: WHO
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: WHO

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh "thật đúng đắn khi 6 tháng trước, Ủy ban khẩn cấp ban hành quy định y tế quốc tế (IHR) đề nghị tôi tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp công cộng do quan ngại của cộng đồng quốc tế, có ít hơn 100 trường hợp nhiễm COVID-19 và không có trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc”.

Đồng thời, ông cho rằng kể từ khi COVID-19 bắt đầu, nhiều câu hỏi khoa học đã được giải quyết và còn nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời đáp. Ủy ban khẩn cấp luôn thận trọng trong các tuyên bố của mình và họ đã đánh giá lại tình trạng khẩn cấp của COVID-19 vào hôm 31/7.

Ấn Độ cũng đã gia tăng các biện pháp kiểm soát sân bay chặt chẽ nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19. Nguồn: PTI.
Ấn Độ cũng đã gia tăng các biện pháp kiểm soát sân bay chặt chẽ nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19. Nguồn: PTI.

Trước đại dịch COVID-19, WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp công cộng đối với dịch cúm lợn, bại liệt, Zika và Ebola.  Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng những kết quả nghiên cứu ban đầu về huyết thanh đang vẽ nên một bức tranh nhất quán về việc hầu hết mọi người trên thế giới vẫn dễ bị nhiễm COVID-19, ngay cả ở các khu vực đã trải qua những đợt bùng phát nghiêm trọng.   

Theo người đứng đầu WHO, nhiều quốc gia từng tin rằng họ đã trải qua quá khứ tồi tệ nhất, tuy nhiên hiện đang phải vật lộn với những đợt bùng phát mới. Một số quốc gia ít bị ảnh hưởng trong những tuần đầu tiên bùng phát dịch, hiện đang chứng kiến số trường hợp lây nhiễm và tử vong gia tăng nhanh chóng, trong khi một số quốc gia từng chứng kiến sự bùng phát lớn hiện dịch bệnh đã được kiểm soát.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra khuyến nghị “mặc dù phát triển vắc-xin đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, nhưng chúng ta phải học cách sống chung với loại virus này và phải chiến đấu với nó bằng các công cụ mà chúng ta có”.

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 1/8, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 17.731.470 trường hợp, trong đó có 681.968 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 11.145.530 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Danh sách 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh Covid-19 gồm Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi.

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 67.409 ca mắc và 1.416 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 4.702.394 và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 156.701 người.

Tiến sỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cảnh báo nếu không có một nỗ lực trên toàn quốc nhằm tuân thủ các biện pháp phòng ngữa, sẽ không thể dự đoán được dịch COVID-19 sẽ kéo dài bao lâu tại Mỹ. Theo Đại học Johns Hopkins, Mỹ đang chứng kiến làn sóng tái bùng phát dịch COVID-19 sau khi nhiều bang bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.

NGỌC CHÂU (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương