Cả nước chỉ còn một tỉnh duy nhất chưa có dịch tả heo châu Phi

Theo Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, hiện có 62/63 tỉnh thành trên cả nước xuất hiện dịch tả heo châu Phi.

Theo Bộ NN-PTNT, tính tới thời điểm hiện tại, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số bị tiêu hủy lên tới trên 3,3 triệu con.

Trong đó, có 4.560 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày; có 854 xã thuộc 226 huyện của 40 tỉnh đã qua 30 ngày; có 116 xã thuộc 73 huyện của 23 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh heo bệnh.

Cả nước hiện nay chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa bị dịch tả heo châu Phi.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, do bệnh dịch tả heo châu Phi là bệnh rất nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị và chưa có vắc-xin phòng bệnh; vi-rút tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát; chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, mật độ rất cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.Công tác ứng phó với dịch tiếp tục tồn tại nhiều khó khăn, bất cập chưa được khắc phục….

Cả nước hiện chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi nào.
Cả nước hiện chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi nào.

Theo Bộ Nông nghiệp, vấn đề tồn tại là người chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; khi phát hiện heo có bệnh, không báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở, tự ý điều trị, vứt xác heo ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh; bán chạy heo mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh.

Việc tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh nhiều nơi chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nên chưa tiêu diệt hết mầm bệnh, làm phát tán, lây lan. Tại một số địa phương có địa hình thấp, hố chôn bị ngập nước, gây khó khăn cho quá trình xử lý heo bệnh bằng phương pháp chôn lấp; chưa tổ chức triển khai công tác vệ sinh, sát trùng hoặc có nhưng chưa thường xuyên, chưa rộng khắp.

Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác kiểm soát giết mổ; vẫn để tình trạng giết mổ lậu diễn ra, cá biệt có trường hợp thu gom heo chết không rõ nguyên nhân và nguồn gốc để giết mổ, đưa vào các quán ăn để tiêu thụ.

Việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng với quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến chủ phương tiện vận chuyển tự phá hủy niêm phong, bán lợn bệnh, heo nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển.

Theo nhận định trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi sẽ tiếp tục phát sinh và lây lan theo 03 hướng: Dịch bệnh dễ dàng phát tán, lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn (cấp xã, huyện) chưa có dịch; Tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày; Dịch bệnh xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi heo tập trung, quy mô lớn.

Về công tác tiêu hủy, cần thành lập các đội tiêu hủy heo mang tính chuyên nghiệp, triển khai nhanh, chấp hành chặt chẽ việc vệ sinh, tiêu độc, tránh phát tán mầm bệnh và không gây ô nhiễm môi trường.

BẠCH TRANG

theo Tin 24h

Công bố mức hỗ trợ tiêu hủy dịch tả heo châu Phi

Công bố mức hỗ trợ tiêu hủy dịch tả heo châu Phi

Mức hỗ trợ được Chính phủ quyết định chiều ngày 27/6 đối với các hộ nuôi có heo tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi.