COVID-19 sáng 5/11: Ghi nhận 1 ca mắc từ nước ngoài về, đã được cách ly ngay

Tính từ 18h ngày 4/11 đến 6h ngày 5/11, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh từ Oman, đã được cách ly ngay và không còn khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta đến nay tổng cộng là 1.207 trường hợp.

Ca bệnh 1.207 (nữ, 33 tuổi, quốc tịch Việt Nam), có địa chỉ tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 22/10, bệnh nhân từ Oman nhập cảnh Sân bay quốc tế Nội Bài trên chuyến bay QR976, được cách ly ngay tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bệnh nhân được lấy mẫu lần 2 ngày 3/11, kết quả xét nghiệm ngày 4/11 tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Tính đến 6 giờ ngày 5/11, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm cộng đồng; số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Đến thời điểm này, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 64 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.

COVID-19 sáng 5/11: Ghi nhận 1 ca mắc từ nước ngoài về, đã được cách ly ngay

Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Trong số các bệnh nhân đang tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 17 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; 7 người âm tính lần 2 và 5 người âm tính lần 3. Việt Nam cũng không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng. Đã có 1.069/1.207 trường hợp mắc COVID-19 ở nước ta đã được điều trị khỏi bệnh. Việt Nam cũng đã ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19.

Hiện cả nước còn 15.137 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe. Trong đó, 196 người cách ly tại bệnh viện; 13.959 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 1.982 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp. Để phòng, chống dịch hiệu quả trong trạng thái "bình thường mới", Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là khi đi ra ngoài và khi về nhà.

Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân cần hành động, thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch - "Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh"; tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt Thông điệp 5K "Khẩu trang- Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế" để giữ an toàn cho mình và xã hội trước đại dịch COVID-19.

Châu Âu ngày càng nghiêm trọng; Số ca tử vong ở Tây Ban Nha tăng vọt

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 5/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 48.369.860 ca, trong đó có 1.229.286 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 34.618.532 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 89.179 ca và 12.522.042 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 4/11, thế giới có tới 145 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

 Người dân di chuyển trên đường phố tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/9/2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
 Người dân di chuyển trên đường phố tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/9/2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (87.564 ca), Ấn Độ (50.465 ca), Pháp (40.558 ca) và Italy (30.550 ca); trong khi đó Tây Ban Nha (với 1.623 ca), Mỹ (992 ca), Ấn Độ (704 ca) và Brazil  (558 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.  

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 9.780.530 ca nhiễm và 239.623 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với trên 8,3 triệu ca nhiễm và 124.354 ca tử vong, và Brazil với trên 5,5 triệu ca nhiễm và 161.106 ca tử vong.

(Tổng hợp)

NGỌC CHÂU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương