Doanh nghiệp bất động sản sẽ huy động vốn thế nào trong năm 2020?

Đó là câu hỏi được nhiều chuyên gia phân tích, nhiều doanh nghiệp băn khoăn tại hội thảo Dòng tiền bất động sản 2020.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản 2019 là một năm đầy thách thức và khó khăn, biểu hiện là sự sụt giảm của thị trường bất động sản ở tất cả các phân khúc. Năm 2019 bất động sản dẫn đầu về những doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc phá sản, trong đó 598 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 886 doanh nghiệp giải thể, tất cả con số này đều tăng so với năm 2018.

Vừa qua, các cơ quan chức năng đã công bố có 124 dự án trở lại hoạt động nhưng sự thật không phải như vậy. Thực tế các dự án trên chưa thể quay trở lại hoạt động bình thường. Sự sụt giảm quy mô thị trường khiến các nguồn cung và sản phẩm giảm. Trong đó phân khúc nhà ở có giá vừa với túi tiền của người tiêu dùng (nhà ở thương mại) trên dưới 2 tỷ đồng đưa ra thị trường quá ít, nhà ở xã hội hầu như không có.

Sự sụt giảm về dự án, dẫn đến khan hiếm về sản phẩm, trong khi đó nguồn cung các sản phẩm cao cấp lại có hiện tượng cung vượt cầu. Điều này đồng nghĩa với việc giấc mơ nhà ở đối với người thu nhập trung bình thấp và người trẻ ngày càng xa vời.

Từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước áp dụng lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản bằng Thông tư 22, doanh nghiệp sẽ làm dự án thế nào? Ảnh: Tri Thức.
Từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước áp dụng lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản bằng Thông tư 22, doanh nghiệp sẽ làm dự án thế nào? Ảnh: Tri Thức.

Tại hội thảo các chuyên gia tài chính cũng nhận định, bất động sản là ngành đòi hỏi nguồn vốn lớn. Hiện nay, vốn của doanh nghiệp bất động sản đến từ 3 nguồn chính: vốn tự có, vốn vay, và huy động từ khách hàng. Ngoài ra, bất động sản cũng là ngành có khả năng gây rủi ro cao, những khoản nợ xấu của ngân hàng trong thời kỳ qua, có phần lớn liên quan đến lĩnh vực kinh doanh này.

Từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước áp dụng lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản bằng Thông tư 22. Theo đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ đầu năm nay chỉ còn 40%. Kể từ 1/10/2022, tỷ lệ này giảm xuống còn 30%. Đồng thời, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản cũng tăng từ 150% lên 200%.

Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM cho rằng, bên cạnh nguồn vốn vay từ ngân hàng tài trợ cho các dự án bất động sản , nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh triển khai dự án, tăng cung cho thị trường, giải quyết nhu cầu nhà ở bức thiết của người dân.

Khi đó thì giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư mua vào lại tạo thêm vốn cho doanh nghiệp để mở rộng đầu tư, phát triển dự án. Cả doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư cổ đông và người dân đều được hưởng lợi khi quy trình này được vận hành trơn tru.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản 2020 sẽ khởi sắc hơn. Ảnh: Cẩm Viên
Nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản 2020 sẽ khởi sắc hơn. Ảnh: Cẩm Viên

Còn theo ông Sử Ngọc Khương, chuyên gia bất động sản, nguyên giám đốc đầu tư Savills thì đối với các doanh nghiệp có quỹ đất sạch, có tiềm năng thì việc siết chặt quỹ tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản lớn thì không ảnh hưởng nhiều. Nhóm doanh nghiệp có tác động nhiều nhất là những doanh vừa và nhỏ, chưa đủ lớn, chưa đủ tin cậy để có thể sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng. Đối với những doanh nghiệp có quỹ đất sạch thì sẽ thu hút cơ hội đầu tư sâu của các doanh nghiệp nước ngoài rất lớn.

Ông Lê Thành Trung Phó tổng giám đốc HDBank, cho biết trong năm 2020, chúng ta cần có một cái nhìn lạc quan về thị trường bất động sản. Mặc dù bất đông sản có lúc sôi động, có lúc trầm lắng nhưng đó là một trong những thị trường quan trọng nhất của nền kinh tế sau thị trường chứng khoán và đâu đó nó còn lan tỏa và ảnh hưởng còn hơn thị trường chứng khoán.

Việc ngân hàng điều chỉnh chính sách về các khoản vốn cho vay, siết tín dụng trong lĩnh vực bất động sản là bước đi sáng suốt để điều chỉnh lại thị trường, đây là cơ hội để thanh lọc lại thị trường bất động sản vốn có nhiều vấn đề bất cập.

Theo kiến nghị của ông Lê Hoàng Châu, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải nỗ lực để trở thành một doanh nghiệp có năng lực và uy tín, được khách hàng tin cậy đầu tư vốn, vì khách hàng sẽ là nguồn tín dụng có thay thế trong những năm tới đây. Các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh thành công ty cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán, sau đó tiến lên các sàn giao dịch ở khu vực và trên thế giới hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương