Hồng Kông lại trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung

Ông Mike Pompeo gọi hành động của Bắc Kinh chống lại Hồng Kông là "thảm họa" và đe dọa về sự trừng phạt của Mỹ.

Mỹ chỉ trích và đe dọa

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại lời cảnh báo Trung Quốc về kế hoạch áp đặt luật an ninh mới lên Hồng Kông. Ông gọi hành động này là hồi chuông báo tử cho đặc khu hành chính bán tự trị này, đồng thời đe dọa Mỹ sẽ trừng phạt tương xứng. Tuyên bố hôm thứ Sáu, ông Pompeo lên án việc Trung Quốc định “đơn phương và tùy tiện áp đặt luật an ninh quốc gia” đối với Hồng Kông, theo South China Moning Post.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, quyết định của Bắc Kinh đã bỏ qua các quy trình lập pháp được thiết lập tốt và phớt lờ ý chí của người dân Hồng Kông. Đây sẽ là hồi chuông báo tử đối với mức độ tự trị cao mà Bắc Kinh cam kết dành cho Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung - Anh, một văn bản được Liên Hợp Quốc công nhận.

Ông Pompeo đã phát biểu vài giờ sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý khắc Cường tuyên bố tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, khóa 13 của Đại hội Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội - NPC). Theo đó, Ủy ban Thường vụ của cơ quan lập pháp sẽ thiết lập các hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi hợp lý để bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông. Dự luật sẽ được bỏ phiếu vào đầu tháng tới và các nhà quan sát tin nó chắc rằng sẽ được thông qua.

Các động thái gần đây của Bắc Kinh đối với Hồng Kông đã dẫn đến sự trừng phạt của Mỹ. Tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã ra Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, trao cho Bộ Ngoại giao nước này nhiệm vụ đánh giá mức độ tự trị của Hong Kong mỗi năm để xem đặc khu này sẽ tiếp tục được hưởng quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ dành cho hay không.

Mỹ thúc giục Bắc Kinh tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng quyền tự trị cao, thể chế dân chủ và tự do dân sự của Hồng Kông. “Chúng tôi sát cánh cùng người dân Hồng Kông”, Ông Pompeo nói.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ quan ngại. Ông nói rằng Washington sẽ có những biện pháp trừng phạt “rất mạnh mẽ”, nếu luật an ninh mới cho Hồng Kông được thông qua.

Nhiều nước lên tiếng

Virginie Battu-Henriksson, Người phát ngôn bộ phận đối ngoại của Liên minh châu Âu, cho rằng cuộc tranh luận dân chủ ở Hồng Kông và tôn trọng quyền tự do là cách tốt nhất để bảo vệ mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.

Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Anh tại Hồng Kông.
Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Anh tại Hồng Kông.

Chris Patten, Thống đốc cuối cùng tại thuộc địa cũ của Anh, đã gọi đề xuất của Bắc Kinh là một cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị, luật pháp và các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông.

Người phát ngôn của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Hồng Kông cho biết, họ đang theo dõi sát việc chuẩn bị thông qua luật an ninh quốc gia cho đặc khu hành chính này.

Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell nói rằng, nếu Bắc Kinh có thêm bất kỳ hành động áp đặt nào đối với Hồng Kông, Thượng viện Mỹ sẽ xem xét lại mối quan hệ Mỹ - Trung. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gọi động thái của Bắc Kinh là “đáng báo động sâu sắc và hoàn toàn không tôn trọng luật lệ”.

Trung Quốc phản bác

Trung Quốc đã huy động các nhà ngoại giao nhằm bảo vệ việc chuẩn bị áp đặt luật an ninh mới cho Hồng Kông, một động thái gây tranh cãi.

Dẫn các nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh, báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết, từ dự đoán của chính quyền trung ương về sự chỉ trích của nước ngoài, vào cuối ngày thứ Năm Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao bảo vệ động thái này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tiệu Lập Kiên (Zhao Lijian).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tiệu Lập Kiên (Zhao Lijian).

Cơ quan ngoại giao của Trung Quốc trên khắp thế giới được thông báo rằng, các nhà chính trị đối lập Hồng Kông từ lâu đã thông đồng với các lực lượng bên ngoài nhằm tổ chức hoạt động ly khai, lật đổ, xâm nhập và phá hoại Trung Quốc.

Bộ này cũng cho rằng, các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi được tổ chức vào mùa hè năm ngoái đã gây ra mối đe dọa không chỉ với Hồng Kông, mà với cả nước nói chung. Vì vậy, chính phủ Trung Quốc không thể “khoanh tay đứng nhìn”. Trung Quốc hy vọng các chính phủ nước ngoài hiểu rõ và không can thiệp công việc nội bộ của nước này.

Trên tinh thần đó của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris, Pháp hôm thứ Sáu cho biết, sự tê liệt (do biểu tình) của Hồng Kông đã gây thiệt hại hàng chục tỷ nhân dân tệ. Các thế lực nước ngoài đang cung cấp “chiếc ô bảo vệ” cho người biểu tình.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin, Đức cho biết phe ly khai của Hồng Kông đang khai thác lỗ hổng pháp lý và an ninh quốc gia. Lổ hổng đó cần phải được sửa chữa.

Cùng một giọng, phát ngôn viên của các đại sứ quán Trung Quốc tại London (Anh) và Brussels (Bỉ) đã đưa ra những tuyên bố tương tự.

TRẦN NGHỊ

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương