Ngành nông nghiệp ứng phó với dịch COVID-19 như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu vấn đề tại hội nghị trực tuyến Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 12/3.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp đang bị đe dọa bởi 3 thách thức lớn: dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu, điển hình là mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn… và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Nông nghiệp là ngành rất đặc thù, phải tạo ra lương thực đáp ứng cho nhu cầu con người ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Người dân bệnh cũng phải ăn, cách ly cũng phải ăn… Nếu sức sản xuất không tốt, không huy động được tổng lực trong bối cảnh dịch Covid-19 thì vấn đề cân đối lương thực thực phẩm rất khó khăn. Vì thế ngành phải đảm bảo cung ứng vững chắc cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, không để thực phẩm tăng giá và tránh trục lợi. Do vậy, ngành nông nghiệp cần thúc đẩy sản xuất.

Sau dịch bệnh, nhu cầu hàng hóa thường bùng nổ. Vì vậy, ngành cũng phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất khi dịch bệnh kết thúc nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu. Bộ trưởng nhấn mạnh các Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách khôi phục thị trường Trung Quốc không để đứt đoạn; đồng thời mở cửa thêm các sản phẩm với thị trường này.

Tăng cường sản xuất, bình ổn thị trường trong nước. 
Tăng cường sản xuất, bình ổn thị trường trong nước. 

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Ba Huân cho biết, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, doanh nghiệp trứng Ba Huân đã ký với Tổng Liên đoàn Lao động chương trình hỗ trợ người lao động. Theo đó mỗi ngày trứng Ba Huân sẽ bán giảm giá 300.000 quả trứng cho người lao động. Do đặc thù là ngành thực phẩm nên dù dịch bệnh xảy ra mọi người dân đều có nhu cầu ăn uống nên trứng Ba Huân không gặp nhiều khó khăn trong thời điểm này.

Riêng tình hình dịch bệnh, công ty Ba Huân có kinh nghiệm hơn 50 năm trong việc chăn nuôi gia cầm, dày kinh nghiệm về phòng chống dịch, hơn nữa doanh nghiệp Ba Huân là một chuỗi khép kín an toàn từ trang trại đến kinh doanh. Như vừa rồi trước tình hình dịch bệnh, tiêu thụ người dân tăng đột biến, nhưng công ty vẫn đủ sản lượng cung cấp cho người tiêu dùng. Dù dịch bệnh có diễn biến như thế nào thì công ty vẫn đủ thức ăn cho gia cầm, đủ nguồn trứng cung cấp cho thị trường trong nước, không sợ thiếu hụt.

Còn theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, thực tế người dân Trung Quốc cũng rất cần gạo Việt Nam, có nhiều đơn hàng gạo Việt Nam vào tận vùng dịch tại Vũ Hán. Thực tế hợp đồng xuất khẩu dầu của chúng ta rất lớn, nhưng khó khăn là thiếu container một cách nghiêm trọng, do lượng hàng hóa vào Trung Quốc nhưng container quay trở về không được. Nên các doanh nghiệp đang chờ lượng container trống để xuất khẩu.

Có nhiều xà lan gạo miền Tây lên gần chục ngày nhưng không đủ container để đóng. Lượng container đang thiếu hụt một cách nghiêm trọng, cộng với hiện tượng thiếu nhân công trầm trọng tại các cảng biển khiến hàng hóa tồn kho rất lớn. Hi vọng khi diễn biến dịch tại Trung Quốc khá hơn, công nhân bắt đầu đi làm lại thì sẽ giải quyết được bài toán trên.

Còn về nguồn cung thịt lợn, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho biết, Tập đoàn tiếp tục duy trì đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá đến người tiêu dùng. Cụ thể, Tập đoàn tăng công suất tối đa hoạt động sản xuất của các nhà máy nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt.

Tập đoàn Masan cũng kết hợp với Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đảm bảo cung cấp đầy đủ gạo cho nhu cầu thiết yếu của người dân trong cả nước thông qua hệ thống hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+. Tập đoàn làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp uy tín của Việt Nam, đảm bảo cung ứng đầy đủ sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho người dân; đồng thời cải thiện phương thức bán hàng, mở rộng diện phục vụ bán hàng và giao hàng tại nhà.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), năm nay, sản lượng gạo sẽ đạt khoảng 28 triệu tấn, đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 6,5 – 7 triệu tấn. Rau các loại có gần 1 triệu ha sẽ cho sản lượng khoảng 18,2 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2019; quả với 1,1 triệu ha cho sản lượng khoảng 13,3 triệu tấn, tăng trên 6%.

Chăn nuôi dự kiến sẽ khống chế được dịch bệnh nên tái đàn lợn cũng tăng nhanh. Tổng sản lượng thịt trong chăn nuôi sẽ đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16%. Với sản lượng này, trong nước sẽ không thiếu thịt. Sản lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương