Rủi ro lây nhiễm COVID-19 đến 91%, đề xuất tạm ngừng hoạt động Công ty Pouyuen

Sau kiểm tra thực tế, Sở Y tế TP.HCM đề nghị xem xét tạm dừng hoạt động Công ty Pouyuen nếu không đáp ứng được Bộ đánh giá rủi ro nhiễm COVID-19.

Sở Y tế TP.HCM vừa có báo cáo trình UBND TP.HCM về việc xem xét tạm dừng hoạt động của Công ty TNHH Pouyuen (quận Bình Tân) sau khi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất của công ty này. Theo đó, dựa vào Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm COVID-19 ở các doanh nghiệp của TP.HCM, công ty này đang có mức độ rủi ro lây nhiễm đến 91%.

Công ty Pouyuen hiện đang có hơn 62.000 công nhân. Thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về việc phòng, chống dịch COVID-19, công ty bố trí 800 xe 45 chỗ đưa đón công nhân, đảm bảo mỗi xe không quá 20 người; có khám sàng lọc khi công nhân có dấu hiệu bệnh hô hấp; bố trí giờ ăn trưa lệch nhau để không tụ tập đông người;...

Công nhân Công ty Pouyuen đo thân nhiệt trước khi vào phân xưởng. Ảnh: Dân Việt.
Công nhân Công ty Pouyuen đo thân nhiệt trước khi vào phân xưởng. Ảnh: Dân Việt.

Tuy nhiên, kiểm tra thực tế, Sở Y tế nhận thấy, trên các xe đưa rước công nhân chưa trang bị dung dịch sát khuẩn nhanh nên công nhân chưa thực hiện rửa tay khi lên xuống xe; chưa có nước rửa tay nhanh tại mỗi phân xưởng; chưa bố trí thêm bồn rửa tay và dung dịch rửa tay nhanh cho công nhân.

Ngoài ra, việc giãn cách tối thiểu 2m theo quy định cũng chưa được thực hiện, còn tập trung đông người khi lên xuống xe và khi làm việc; còn tình trạng hội họp đông người tại phân xưởng, tụ tập theo nhóm nhỏ nói chuyện.Tại khu vực ăn cơm trưa vẫn còn tình trạng 4 - 6 người ngồi chung bàn ăn, không đảm bảo khoảng cách tiếp xúc và tập trung rất đông người (trên 1.000 người).

Sở Y tế đã yêu cầu Công ty Pouyuen thực hiện nghiêm việc công nhân đeo khẩu trang, trang bị dung dịch khử khuẩn, bồn rửa tay, nhắc nhở công nhân rửa tay thường xuyên. Công ty phải tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, công nhân giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2m.

Khu vực ăn của công nhân không được sử dụng chung ly uống nước mà phải trang bị ly sử dụng 1 lần. Công ty phải tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung đông người, khẩn trương tìm các biện pháp để giảm, giãn mật độ công nhân khi ăn cơm, di chuyển khi vào ca, tan ca…

Khung cảnh hỗn loạn khi công nhân Pouyuen tan ca - Ảnh: PNO.
Khung cảnh hỗn loạn khi công nhân Pouyuen tan ca - Ảnh: PNO.

Trao đổi với Thanh Niên chiều 9/4, ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Pouyuen Việt Nam, cho biết có nhiều yêu cầu trong bộ tiêu chí của TPHCM ban hành công ty không thể thực hiện được.

Cụ thể, công ty sản xuất theo dây chuyền, mỗi người một vị trí nên không thể đứng cách nhau 2m, nếu giảm năng suất xuống thì sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng đã nhận từ trước. Đối với bếp ăn tập thể, công ty bố trí bàn ăn 8 người ngồi, ngăn cách bằng các tấm nhựa mica nhưng do công nhân (CN) đông nên việc đi lên xuống nhà bếp chạm mặt nhau, không đảm bảo khoảng cách 2m...

“Chúng tôi đang cố gắng làm theo hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM; còn nếu làm triệt để theo hướng dẫn của TPHCM thì chắc chắn sẽ không làm được”, ông Cường nhận định.

Nếu Công ty Pouyuen không thực hiện được, Sở Y tế kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét việc tạm ngừng sản xuất của công ty để đảm bảo không lây nhiễm dịch COVID-19 trong công nhân và cộng đồng.

Video: Hàng nghìn công nhân Công ty Pouyuen ùn ùn đổ ra đường giờ tan làm. Nguồn: VTCNEWS.

Trước đó, ngày 6/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM ra quyết định ban hành bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại doanh nghiệp trên địa bàn TP, gồm 10 chỉ số thành phần.

Nếu chỉ số điểm bằng 10% đồng nghĩa với rất ít rủi ro thì doanh nghiệp được hoạt động. Chỉ số dưới 30% thì được đánh giá là rủi ro thấp, doanh nghiệp được hoạt động nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục hạn chế ở chỉ số thành phần nào cao nhất. 

Từ 30% đến dưới 50%: rủi ro lây nhiễm trung bình. Doanh nghiệp có thể được phép hoạt động với điều kiện không có chỉ số thành phần nào từ 7 điểm trở lên. 

Từ 50% đến dưới 80%: rủi ro lây nhiễm cao, phải có giải pháp giảm rủi ro mới được hoạt động. Từ 80% đến 100%: rủi ro lây nhiễm rất cao, doanh nghiệp không được hoạt động. 

Cập nhật đến 6 giờ ngày 11/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca dương tính với SARS-CoV-2 sau 12 tiếng kể từ 18 giờ ngày 10/4, và Việt Nam hiện có 257 ca nhiễm, trong đó 144 ca phục hồi.

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương