Thành Thăng Long và kinh đô Huế cách đây hơn 100 năm qua "Một chiến dịch ở Bắc Kỳ"

"Một chiến dịch ở Bắc Kỳ" của bác sĩ Pháp Hocquard tái hiện về Thành Thăng Long và kinh đô Huế 135 năm trước. 

Charles-Édouard Hocquard (1853-1911) là bác sĩ quân y trong quân đội Pháp tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam. Ông có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/1884 đến tháng 4/1886, từng ở Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Hóa sau đó đi dọc miền Trung vào Huế, Đà Nẵng.

Ông là nhà nhiếp ảnh, không trực tiếp tham gia các cuộc chiến, vì vậy ông không ghi chi tiết về các cuộc chiến mà chỉ nhắc sơ qua. 

Ông từng viết ký sự về hành trình của mình và đăng trên Le Tour du Monde (Vòng quanh thế giới) với nhan đề Trente Mois au Tonkin (Ba mươi tháng ở Bắc kỳ), từ năm 1889 đến năm 1891.

Năm 1892, tác giả sửa tên ký sự thành Un campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) và được nhà xuất bản Hatchette (Paris) in, trong đó có 229 tranh khắc (khắc lại từ ảnh chụp), bản đồ về Việt Nam. Sách do Thanh Thư dịch, dày 605 trang, đầy đủ ảnh minh họa, Nhà xuất bản Đà Nẵng và Omega Plus ra mắt đầu tháng 5.

Cùng thời gian, Đông A Books cũng ra mắt bản Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. Ấn bản là tác phẩm đầu tiên trong Tủ sách Đông Dương của đơn vị này, người dịch là Đinh Khắc Phách.

  Bìa sách

Bìa sách "Một chiến dịch ở Bắc Kỳ", bản của Omega Plus, Thanh Thư dịch..

Sách viết về thành Thăng Long năm 1884: "Đó là một khoảng đất bằng, hình chữ nhật, cạnh dài nhất gần năm cây số. Khoảng đất này được bao quanh mọi phía bởi một tường lũy cao và dày xây bằng gạch. Tường lũy được bọc thêm ở phía ngoài bằng một con hào sâu ngập trong nước tù đọng",.

Tác giả Hocquard mô tả thành Thăng Long với các chi tiết cụ thể như 6 cổng hoành tráng, mỗi cổng lại dẫn ra phía ngoài bằng một cầu gạch bắc qua con hào, trên mỗi cổng là một chòi canh nhỏ có mái che, lối lên chòi là bậc thang bố trí phía trong tường thành, trong chòi canh có lính được giao nhiệm vụ gác cổng.

Ngoài ra sách còn nhắc điện Kính Thiên đồ sộ, chiều dài lớn hơn chiều rộng. Điện được xây trên một mảnh đất vuông có 4 mặt tường bảo vệ kiên cố. Một bậc thềm lớn dẫn lên sân, giới hạn mỗi bên của bậc thềm là lan can bằng đá granite chạm trổ tinh xảo những khối hình cuộn mà người An Nam cho là mây. Bậc thềm chia làm ba lối, một lối trung tâm và hai lối hai bên, bằng hai con rồng dài ít nhất hai mét và mỗi con được chạm trổ từ một khối đá granite xám duy nhất...

Điện Kính Thiên do bác sĩ Hocquard chụp.
Điện Kính Thiên do bác sĩ Hocquard chụp.

Vị bác sĩ này cũng mô tả về cột cờ Hà Nội: một khối lập phương bề thế, bên trên vươn lên tòa tháp được xây bằng gạch cao chừng 6 - 7 mét. Tháp có 6 mặt, trong có cầu thang hình xoắn ốc, cầu thang dẫn đến bề mặt nằm trên đỉnh và bao quát các vùng quê phụ cận. 

Theo Hocquard, người Trung Quốc ở khu phố đẹp nhất của Hà Nội, quản lý nhiều cửa hàng quan trọng, phong phú, còn người Việt hoàn toàn chia cách với nhau bằng các cánh cổng lớn che cả chiều rộng phố, đêm thì đóng lại. 

Còn về kinh thành Huế đầu năm 1886 được miêu tả: "Cổng thành được canh giữ bởi lính Pháp. Bao quanh thành là tường lũy cao bằng gạch với rất nhiều súng đại bác bằng đồng hoặc gang bảo vệ, mỗi một cỗ đại bác được đặt dưới một mái hiên lợp ngói để che nắng che mưa". Sau sự kiện này, tướng De Courcy của Pháp đưa vua Đồng Khánh lên ngôi thay thế Hàm Nghi.

Trong sách bác bỏ việc quân Pháp chiêm kho vàng của Huế mà cho rằng khi lính xông vào đây, họ không thấy đĩnh vàng nào, chỉ còn đúng 1 thỏi vàng và một lô mề đay. Theo Hocquard, vua Hàm Nghi đã kịp chuyển kho tàng ra Quảng Trị và người Pháp đã tìm thấy 30 rương bạc nén ở tỉnh này, với giá trị lên tới bốn triệu franc.

Thời Hocquard ở Huế, ông đã được tướng Prudhomme - chỉ huy quân đội Pháp tại Trung kỳ - cho phép vào cung điện của vua Đồng Khánh. Nhờ vào việc này ông có cơ hội lưu lại nhiều bức ảnh về cung điện, chân dung vua, chân dung bà phi của vua, các đoàn rước lễ, ngoại thất điện Càn Thành, Hiển Lâm các, nội thất điện Thái Hòa, lăng các vua nhà Nguyễn... Đây là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu lịch sử Việt Nam.

Trong hàng trăm bức ảnh, có đến 40% khắc họa về con người bình dị, mộc mạc: những nhạc công, cô bán hàng chợ, người bán thịt rong, thợ khảm, thợ cạo, thợ cày, cô bán than, ông lão mù, phu phen, người nông dân xay lúa, thợ gốm, thợ rèn, tổng đốc, sứ thần, đốc học, trưởng làng, sĩ quan Pháp, tù nhân, thổ phỉ... Bên cạnh đó là những bức ảnh và mô tả về đời sống lao động, chân dung cá nhân... Hocquard dành một phần không nhỏ cho các nghi thức tôn giáo và tập tục (đám ma, thờ cúng tổ tiên...), giải trí (trò chơi, âm nhạc...).

Thanh Mai

Mùa dịch, nên làm sạch iPhone bằng cồn?

Mùa dịch, nên làm sạch iPhone bằng cồn?

Điện thoại di động của bạn có thể chứa nhiều vi khuẩn gấp 10 lần so với bề mặt bệ xí, có thể là nơi tiềm năng cho virus COVID-19 bám vào.