“Tình yêu thời thổ tả” của G.G.Marquez - Con thuyền tình yêu vượt qua dịch bệnh

Ở tuổi ngoài 70, Florentino vẫn chưa bao giờ ngừng yêu Fermina. “Họ sống những giờ không thể tưởng tượng được”. Dù vậy, cho đến lúc này họ cũng không thể vượt qua những định kiến của xã hội. Để được sống với mối tình chờ đợi cả nửa thế kỷ, họ phải ở lại trên tàu thủy treo chiếc cờ vàng - dấu hiệu có người bị bệnh thổ tả - và chạy xuôi theo dòng sông Macgođalena.

 G.G.Marquez (6/3/1927 - 17/4/2014) được đánh giá là nhà văn vĩ đại nhất của thế giới trong thế kỷ 20. Nhà văn người Colombia này gắn liền với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và là nhà văn viết tiếng Tây Ban Nha lớn nhất sau M.Cervantes (1547 - 1616) với tác phẩm “Don Quixote. Ông từng đoạt giải Nobel văn chương năm 1982. Tại Việt Nam, bạn đọc biết đến nhiều tác phẩm của ông, chủ yếu qua sự chuyển ngữ của cố dịch giả Nguyễn Trung Đức.

Trong những tác phẩm được giới thiệu đến bạn đọc tại Việt Nam, với tôi, có lẽ tác phẩm để lại nhiều ấn tượng nhất không phải là “One Hundred Years of Solitude” (tựa tiếng Việt là “Trăm năm cô đơn” qua bản dịch của Nguyễn Trung Đức) mà là “Love in the Time of Cholera” (Tình yêu thời thổ tả).

Cuốn tiểu thuyết xoay quanh mối tình của chàng thanh niên Florentino Arixa - là kết quả của mối tình ngoài luồng giữa một thương gia và người phụ nữ bán hàng vặt với cô gái Fermina Daza trẻ trung và nhan sắc. Chàng có gia thế thấp kém, trong khi nàng có một gia thế giàu có khi là con của một nhà buôn hãnh tiến, giàu có mới phất nhờ ăn cắp và gian lận.

Tình yêu đầu đời của hai người mới lớn đẹp đẽ và lãng mạn như một bài thơ. Chàng trai tuy có vẻ ngoài gày gò, không mấy điển trai nhưng là lãng mạn, mộng mơ, thích làm thơ và biết chơi vĩ cầm. Cô gái trẻ si mê anh cũng bởi những điểm ấy. Mối tình trong trắng của tuổi mới lớn vấp phải sự phản đối của bố cô gái - người luôn muốn con mình phải tìm được một người chồng có gia thế xứng đáng với gia thế và nhan sắc của con gái mình.

Một trong những bản chuyển ngữ tiếng Việt của “Love in the Time of Cholera” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Một trong những bản chuyển ngữ tiếng Việt của “Love in the Time of Cholera” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

Mối tình của hai người trẻ bị phát hiện khi Fermina viết thư cho Florentino trong giờ học và cô bị đuổi khỏi trường dòng. Để ngăn cản mối tình của đôi trẻ, Lorenxo Daza - bố Fermina đem cô đi xa để mong cô quên đi mối tình mà ông cho là ảo ảnh, với quyết tâm mang lại hạnh phúc cho cô bằng việc tìm cho cô một người chồng danh giá.

Thời gian xa cách, đôi bạn trẻ luôn nhớ về nhau. Và với nghề điện báo viên của Florentino và sự giúp đỡ của người chị gái họ Hindebranda, Florentino và Fermina vẫn giữ được liên lạc suốt khoảng thời gian xa cách. Nhưng hài hước đến nực cười, khi Fermia Daza được cha đưa trở lại ngôi nhà cũ, với niềm hân hoan vì sắp gặp người yêu bấy lâu xa cách thì chính khi gặp gỡ, họ lại chia tay nhau một cách… lãng xẹt.

Sau hơn một năm xa cách, gặp lại Florentino ngoài chợ, cô thấy “một đôi mắt cứng lạnh, gương mặt xanh xám, đôi môi cứng lại như đá vì sợ hãi” nhưng lần này “cô không thấy nỗi xúc động mạnh mẽ của tình yêu mà trái lại cô cảm thấy một vực thẳm của nỗi chán chường”. Tình yêu lúc ấy vụt tan biến và Fermina cảm thấy bấy lâu nay tình yêu nơi trái tim cô chỉ là một sự lừa dối, một ảo ảnh, và Florentino chỉ đáng thương bởi bộ dạng của anh. “Hãy quên chuyện ấy đi!”. Mối tình kết thúc chỉ bằng một câu nói và lá thư vẹn vẹn hai dòng gửi đến Florentino, đại ý chuyện yêu thương của hai người chỉ là chuyện hoang đường.

Chia tay mối tình được cho là sự hão huyền của tuổi trẻ Fermina kết hôn với vị bác sĩ trẻ tuổi, hào hoa và đẹp trai, Juvenal Urbino, một người quyền lực trong giới thượng lưu và nổi tiếng bởi chính ông là người đã ngăn chặn dịch tả hoành hành ở thành ấy. Còn Florentino vẫn ôm mối tình với “nữ thần được tấn phong” Fermina và tin rằng một ngày kia anh chồng sẽ chết và chàng sẽ có được nàng. Tình yêu càng làm Florentino đau khổ đến mức phát cuồng, đau ốm, tiều tụy.

Florentino lao vào làm giàu với đủ mọi thủ đoạn, và cuối cùng ông đã trở thành chủ hãng tàu thủy như mong ước “cháu muốn trở thành người giàu như chú”.

Để khỏa lấp nỗi cô đơn, Florentino lao vào những cuộc tình ngắn ngủi với biết bao cô gái. Từ cô gái góa chồng Naxare mà lúc lên giường với Florentino chỉ luôn miệng kêu tên người chồng đã nằm dưới mồ đến người đàn bà có chồng nhưng bị bỏ bê, người đàn bà trẻ mới cưới chồng một năm rưỡi có chồng rất ghen và đã phải bỏ mạng vì mũi tên bằng sơn đỏ đánh dấu sở hữu của Florentino lên người cô ta bị chồng phát hiện. Florentino ngủ cả với cô thư ký, cô công nhân, đến cả cô bé đến học trường sư phạm được gia đình tin cậy ủy thác ông săn sóc với tư cách cha đỡ đầu, rồi đủ các thể loại gái điếm.

Trong 51 năm 9 tháng 4 ngày, kể từ khi chia tay mối tình đầu đến khi mong ước của Florentino thành hiện thực - bác sĩ Urbino khả kính, chồng Fermina chết, Florentino đã trải qua 622 mối tình, không kể những mối tình chớp nhoáng với các cô gái điếm không có gì đáng để ghi lại. Những mối tình ngắn ngủi ấy giúp ông vùi chôn nỗi cô đơn của mình, nhưng càng lún sâu vào những mối tình ấy, càng thỏa mãn nhục dục ông càng cháy bỏng nỗi nhớ Ferrmina.

Ở tuổi ngoài 70, Florentino quay lại theo đuổi Fermina khi bà trở thành người tự do. Trải qua hơn nửa thế kỷ với biết bao trải nghiệm ngọt bùi, cay đắng, họ lại yêu nhau say đắm như thuở hoa niên: “Họ sống những giờ không thể tưởng tượng được, tay nắm tay ngồi trên ghế kê ngay bên thành tàu, họ thư thái hôn nhau, cùng sung sướng đắm chìm trong những cú mơn trớn, mà lòng họ không gợn một ý nghĩ thất vọng”. Dù vậy, cho đến lúc này họ cũng không thể vượt qua những định kiến hủ lậu của xã hội. Và để được sống với mối tình chờ đợi cả nửa thế kỷ, họ phải ở lại trên tàu thủy treo chiếc cờ vàng - dấu hiệu có người bị bệnh thổ tả - và chạy xuôi theo dòng sông Macgođalena.

“Tình yêu thời thổ tả” được viết ngay sau khi G.G.Marquez giành giải Nobel văn chương. Tác phẩm được xuất bản năm 1985 và ngay từ khi xuất hiện tạp chí New York Times đánh giá đây là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại, là “tuyên ngôn cho sự bất diệt của trái tim”. Tác phẩm này có mặt trong danh sách 100 tác phẩm văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha xuất sắc theo bình chọn của tạp chí Semana của Colombia năm 2007. Tác phẩm này cũng đã được đã được chuyển thể thành phim với nhan đề “Love in the time of Cholera” do Mike Newell làm đạo diễn.

“Love in the Time of Cholera” trong phiên bản điện ảnh.
“Love in the Time of Cholera” trong phiên bản điện ảnh.

Giống như một thứ bệnh dịch lây lan, tình yêu làm cho con người trở nên hạnh phúc nhưng cũng có thể rơi vào vực thẳm của sự chán chường, cô đơn đến tột cùng. Dù ở lứa tuổi nào, con người cũng cần có tình yêu, nhưng “Tình yêu thời thổ tả” bị những vòng kim cô của định kiến xã hội kiềm tỏa khiến không chỉ mối tình đang độ thanh xuân bị bóp nghẹt mà tình yêu tìm lại ở tuổi xế chiều cũng không thể giải phóng vòng cương tỏa đó.

Dù thế nào, tình yêu cũng luôn là chiếc chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn mỗi người, giúp con người xua đi nỗi cô đơn vốn có từ khi biết mình là một bản thể của vũ trụ. Tình yêu tuổi trẻ đầy nồng nhiệt và mộng mơ nhưng lại có nhiều non nớt, còn ở lứa tuổi đã đủ trải nghiệm cuộc đời nó giống như hòn than đỏ trong đặt giữa đám củi khô, chỉ cần một ngọn gió là nó bùng cháy dữ dội, mãnh liệt.

Đọc “Tình yêu thời thổ tả” hẳn không ít bạn đọc thấy day dứt bởi mối tình đau đớn và ngang trái của Florentino dành cho Fermina. Cả cuộc đời, biết bao người đàn bà đã qua tay ông nhưng hình ảnh Fermina vẫn in hằn trong tâm trí. Mối tình ấy nhiều day dứt và đắng đót giống như mùi đắng của hạnh đào được nhắc đến trong tác phẩm. Thêm một người đàn bà được ghi tên vào cuốn sổ của Florentino thì nỗi nhớ, tình yêu đối với Fermina càng lớn thêm lên. Dường như, càng tìm quên hình ảnh của Fermiana bên những người đàn bà khác thì khoảng trống cô đơn trong lòng Florentina càng rộng ra, không thể khỏa lấp.

Ngược lại, suốt cả cuộc đời hôn nhân tưởng chừng hạnh phúc, êm ả với bác sĩ Urbeno, những tưởng thứ tình yêu mà Fermina cho là ảo ảnh đã chìm vào quên lãng, thì khi được ngọn gió Florentino thổi vào bỗng bùng lên dữ dội. Tình yêu ở hai con người ở cái tuổi mà mắt đã mờ, tai đã nặng, chân đã chậm và cơ thể không còn những nét quyến rũ của thanh xuân lại trở nên da diết, si mê và gắn bó hơn bao giờ hết.

Cuộc sống con người vốn là thứ hữu hạn. Chỉ tình yêu là thứ bất tử, kể cả khi con người ta chết đi vẫn không hết tình yêu dành cho nhau. Thời gian, tuổi tác, mọi ngăn cách và định kiến xã hội đều trở nên vô nghĩa trước tình yêu. Cho dù, có những lúc con người ta không đủ dũng khí vượt qua những định kiến xã hội để sống cho tình yêu của mình nhưng nó vẫn không chết đi mà vẫn âm ỉ cháy trong lòng mỗi người.

Trong “Tình yêu thời thổ tả”, dường như Marquez đứng hoàn toàn bên ngoài tình cảm và tâm trạng của nhân vật. Ông kể về số phận, tính cách của các nhân vật một cách chi tiết nhưng lạnh lùng và tỉnh táo. Vậy nhưng, đằng sau giọng văn tưởng lạnh lùng và tỉnh táo đó người đọc vẫn thấy dáng dấp một người kể chuyện khôi hài với nụ cười ý nhị mà hóm hỉnh. Chính cái giọng văn cảm giác như thản nhiên của Marquez khiến cho những nhân vật của ông trở nên đáng thương hơn và bạn đọc bị ám ảnh.

Gấp những trang sách lại, “Tình yêu thời thổ tả” vẫn buộc ta phải suy ngẫm. Tình yêu  - dù ở thời đại hay lứa tuổi nào - cũng luôn là liều thuốc xoa dịu mọi đớn đau, mọi cô đơn. Nó là thứ không thể bị hủy diệt bởi bất cứ lý do hay thế lực lực nào. Tuy nhiên, tình yêu luôn bị những ngăn trở từ cái mà chúng ta gọi là hoàn cảnh. Và không phải lúc nào con người cũng vượt qua những hoàn cảnh ấy để sống với tình yêu. Giống như nhân vật Florentino và Fermina, sau nửa thế kỷ để được sống bên nhau vẫn phải nhờ đến lá cờ và dòng sông đưa họ ruổi rong không bến đậu.

Phạm Ngọc

Nữ nhà văn Louisa May Alcott và “Những người phụ nữ nhỏ bé”

Nữ nhà văn Louisa May Alcott và “Những người phụ nữ nhỏ bé”

"Little Women" - bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn người Mỹ Louisa May Alcott - nằm trong danh sách đề cử giải Oscar.