Thuộc thế hệ 6x sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, chứng kiến đủ mọi thăng trầm của cái thành phố “hư hao nền nếp chứa đựng những tiếc nuối pha khinh bạc” ấy, văn chương của Nguyễn Việt Hà như chứa đựng từng hơi thở, từng nét mặt, từng dáng hình của Hà Nội, của người Hà Nội trong mỗi câu chữ.
20 năm cầm bút với 4 tiểu thuyết, 4 cuốn tạp văn và 2 tập truyện ngắn, đọc các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, khi thì thấy tức anh ách với cái giọng cay nghiệt mà tưng tửng đến ráo hoảnh, hay tủm tỉm với những câu bông phèng của đám “giai phố cổ” lơ thơ mà đầy nỗi niềm, hoặc xót xa với những hoài niệm về một không gian quá vãng đang dần lùi xa.
Trong suốt chiều dài văn chương của mình, Nguyễn Việt Hà luôn khước từ những làm màu tô vẽ, đả kích mọi loại sáo ngôn, văn chương của anh viết mà như không viết, rất “đời” và rất “người”, đầy tính chiêm nghiệm với một nhân sinh quan sâu sắc và độc đáo, và trên hết, nổi bật lên trên đó vẫn là một niềm yêu đời, yêu người say sưa, tha thiết, rất sâu và rất tình!
Nhà văn Nguyễn Việt Hà |
PV: 10 tác phẩm lớn, mới đây nhất là “Thị dân tiểu thuyết”, dù nhiều mới lạ, nhưng vẫn là điểm nhìn của một trí thức đô thị dành cho Hà Nội, với những xót xa, nuổi tiếc ẩn chứa sau những trào lộng, phải chăng đây là cách một lớp người như anh giữ lại Hà Nội cho riêng mình?
Nguyễn Việt Hà: Hà Nội đến từ đâu và nó sẽ về đâu là câu hỏi xuyên suốt cuốn “Thị dân tiểu thuyết”. Nó có rất nhiều câu trả lời và tôi khá thích cái câu “phố cổ còn giữ được đến hôm nay là nhờ những thằng dở hơi”. Và khái niệm “dở hơi” thì tôi từng viết thế này. “Nếu hơi đều đặn thở ra hít vào theo đúng nhịp lên xuống của giá cả thị trường thì người đời đồng thanh cho đấy là “đủ hơi”. Còn hơi ngập ngừng lưỡng lự ho ra thơ, thở ra văn thì đích thực là đồ dở hơi. Do quá nhậy cảm mong manh nên hơi thở của họ không chịu được những nặng nề ô trọc của thế cuộc. Hoặc họ uyên bác vì đọc nhiều sách nên ngộ chữ, Hoặc họ quá nồng nàn ngây thơ yêu nên bị ngộ tình. Hoặc họ bị đểu giả lừa bán rẻ. Hoặc họ bị ngu xuẩn thô bạo dập vùi”. Hình như đây là lớp thị dân tôi biết tương đối kỹ.
PV : “Thị dân tiểu thuyết”, “thị dân” từ trước đến nay vẫn được hiểu nôm na là những “tiểu thị dân” sống ở các đô thị, nhưng trong tác phẩm của mình, có vẻ như anh đang muốn đưa ra một khái niệm của riêng mình khi nói đến những lớp người khác ít được nhắc đến ở mảnh đất ấy?
Nguyễn Việt Hà: “Thị dân” là khái niệm không mới, nhưng khá nhiều người hiểu nhầm về nó. Đa phần theo cái nghĩa tầm thường, “tiểu thị dân”. Tất nhiên, nhan diện của họ thì khá đa tạp. Cuốn sách của tôi tập trung vào mô tả “văn hóa sinh hoạt của đám dân phố trung lưu có trong trắng chữ” như lời một nhân vật đã nói. Anh này giải thích thêm. “Chỉ biết rằng ngoài phố cô đầu Khâm Thiên, ăn cắp chợ Đồng Xuân, phe phẩy chợ Giời thì Hà Nội còn đó một thư viện Quốc Gia, một nhà hát Lớn và không biết bao nhiêu những trường đại học đã từng lớn, cho dù càng ngày càng nhỏ đi”.
"Thị dân tiểu thuyết" - tác phẩm mới nhất của Nguyễn Việt Hà vừa đoạt Giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội 2019 |
PV: Người ta nói, “văn là người”, khi đọc các tác phẩm của anh, khi thì tỉnh táo, có phần cay nghiệt, chua ngoa, khi lại tinh tế, mộng mơ, lúc lại thâm trầm, suy tưởng, vậy đâu mới là một Nguyễn Việt Hà thực sự?
Nguyễn Việt Hà: Câu “văn là người” thường đúng một cách trung bình. Có lẽ do đám nhà văn thường viết về những gì ở gần mình. “Gần” thôi, còn bảo y xì thì cũng không hẳn.
PV: Anh thường lấy cảm hứng từ đâu cho các tác phẩm của mình, từ thực tại, trí tưởng tượng, hay từ chính những trải nghiệm thực tế?
Nguyễn Việt Hà: Với đa phần người sáng tác, cảm hứng là một thứ vừa buồn cười vừa khó hiểu. Nhưng nói cho cùng, tiểu thuyết vẫn là câu chuyện của niềm vui hoặc nỗi buồn, vì thế trữ lượng cảm xúc là quan trọng. Nó không phải là một tác phẩm triết học và càng không phải là một cuốn về đạo đức học. Có lẽ nó được hình thành từ một nỗi đau sâu kín nào đó. Nếu hiểu đơn giản như thế thì có vẻ nó đến từ những trải nghiệm.
PV: Ở lại khá lâu trong cái không khí của đô thị những thập kỉ trước, có khi nào anh thấy lạc lõng với thực tại?
Nguyễn Việt Hà: So với mặt bằng chung, tôi viết văn khá muộn. Thường ở những người viết đã có tuổi, thì cái câu “sinh nhầm thế kỷ” rất hay được đám già thở than. Tôi không quá lạc thời và may mắn vẫn chịu đựng được với những gì cùng thời. Theo tôi, sự cam chịu là phẩm chất nên có ở những người đã hết tuổi trẻ.
PV: Vẫn trung thành và “nặng lòng” với Hà Nội, với thị dân và đô thị, đã bao giờ anh nghĩ đến một đề tài khác, với một góc nhìn hoàn toàn khác?
Nguyễn Việt Hà: Tôi có biết gì ngoài Hà Nội đâu. Tôi chưa bao giờ đi xa nó quá ba tháng. Mà Hà Nội thì mênh mông, để hiểu hết được nó là chuyện bất khả.
PV: Cùng một đề tài, cùng một góc nhì, làm thế nào để một nghệ sỹ nói chung và một nhà văn nói riêng không bị lặp lại chính mình
Nguyễn Việt Hà: Tử vi của tôi “Thân Mệnh đồng cung” cư ở Sửu, có nghĩa là “tiền hậu như nhất”. Nói chung, khi loay hoay sống lâu người ta rất khó khác. Tôi thích một ngoa ngôn không nhớ nguyên văn của Milan Kundera nôm na là: Một cuốn tiểu thuyết mà tự lặp lại, không bàn chuyện lặp lại người khác, chỉ cần lặp lại mình thôi cũng là một cuốn vô đạo đức.
Ở đây tôi muốn nhắc đến trường hợp của Maguerite Duras, nữ văn hào Pháp. Bà này chỉ viết đi viết lại một chuyện tình của một thiếu nữ Tây ở thuộc địa với một thiếu gia mang vẻ châu Á. Và hầu hết tiểu thuyết của bà đã đến tầm kiệt tác. Từ Đập chắn Thái Bình Dương đến Người Tình thì vẫn câu chuyện ấy thôi. Vậy mà vẫn tuyệt vời.
PV: Tình yêu trong văn chương của Nguyễn Việt Hà cũng vừa “tỉnh” vừa “say”, cái say của một người đang nhận thức rõ cơn say của mình, điều này có mâu thuẫn gì không ạ?
Nguyễn Việt Hà: Tình yêu và tuổi trẻ là chủ đề tôi thích viết. Trong tình yêu mà trong sáng chân thành thì mọi đàn ông đều dở say dở tỉnh lẫn lộn mơ hồ. Yêu được và được yêu là hạnh phúc không gì sánh bằng. Có điều, ở tuổi tôi bây giờ thì không nên trông ngóng về hạnh phúc nữa. Bởi nỗi bất hạnh lớn nhất là đã có lúc mình hạnh phúc.
Bìa sách "Con giai phố cổ" - một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Việt Hà |
PV: Khước từ mạng xã hội và facebook, ít chia sẻ với truyền thông và báo chí, anh có lý do của riêng mình?
Nguyễn Việt Hà: Tạng tính mình thôi, chẳng có gì to tát cả. Hơn nữa, nếu có gì muốn chia sẻ thì mình đã viết hết vào tiểu thuyết cả rồi. Trong bài thơ “Chia” của Nguyễn Trọng Tạo có câu khá thú vị. “Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai”. Tôi là dân nhậu chuyên nghiệp, thì thấy thật không phải khi chia cho người khác cái chai hết rượu.
PV: Có một số nhận xét rằng, giới trẻ hiện nay ngày càng thực tế, thực dụng, vô cảm, họ thích thú với những dòng thông tin nhanh, gọn, trực diện trên mạng xã hội hơn là văn chương phù phiếm, anh có ý kiến gì về vấn đề này?
Nguyễn Việt Hà: Đã bao giờ bạn thấy ghét một người nào đang lãng mạn ngồi đọc một cuốn sách dầy không. Lúc ấy, trông họ đẹp vô cùng. Nhất đấy lại là một thiếu nữ.
PV: Theo anh, ý nghĩa thực sự của văn chương là gì? Ở một góc độ nào đó, văn chương có thể tác động lên ý thức xã hội được không, hay đó chỉ là suy nghĩ viển vông, vì văn chương chỉ là câu chuyện của tác giả muốn kể lại mà thôi?
Nguyễn Việt Hà: Tôi trích “Thị dân tiểu thuyết” nhé. “Văn chương hay vì nó là đạo lý sống. Bởi cái nhân loại này chứa không biết bao nhiêu là đạo lý chết. Văn chương chỉ là một trạng thái sống bộc lộ trong một lúc nhất thời. Nó hay, nó cao cả nhưng không phải là tất cả. Nó đậm đặc đoạn kiến. Thường thì nó thấp hơn hẳn đời sống. Làm gì có cái gọi là tác phẩm ngang tầm thời đại. Hiển nhiên là nó đẹp. Dùng nhiều đồ đẹp chưa chắc đã có một nhân cách đẹp. Nhưng nói chung, không gian văn hóa thường sẽ tạo ra nhân cách văn hóa”.
Cảm ơn anh đã chia sẻ ./.
"Thị dân tiểu thuyết" của Nguyễn Việt Hà đoạt Giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội 2019
Chiều qua, 25-12, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Tổng kết năm 2019 đồng thời trao giải thưởng cho các tác phẩm tiêu biểu của năm