Vì sao lá bàng khô được rao bán rầm rộ với giá 1.000 đồng/chiếc?

Là loại lá thường vứt đi, nhưng nay lá bàng lại có giá trị như một loại hàng hóa vì được xem như một loại thần dược trong nuôi trồng thủy sản.

Cây bàng là loại cây khá quen thuộc với người Việt Nam, phổ biến tại vùng Nam Bộ và thường được trồng để che bóng mát.

Nếu trong khoảng thời gian trước lá bàng rụng nhiều người sẽ gom đốt, bỏ đi thì nay lá bàng khô được xem như một món hàng bán rầm rộ trên trang thương mại điện tử tại Việt Nam với công dụng được coi như là " thần dược" trong nuôi trồng thủy sản.

Lá bàng khô được rao bán từ 800-1.000 đồng/chiếc.
Lá bàng khô được rao bán từ 800-1.000 đồng/chiếc.

Theo thông tin trên trang Thủy sản Việt Nam, trên thế giới lá bàng khô được xếp vào danh sách các loại thảo dược và sử dụng thành công trong điều trị bệnh nấm, kí sinh trùng (Trichodina sp.,…) và kháng khuẩn (Aeromonas sp.,…). 

Bên cạnh đó, đã có một số nghiên cứu ở Brazil, Ấn Độ về khả năng diệt vi khuẩn, ngăn ngừa nấm mốc của lá bàng và chiết xuất của chúng trên một số loài cá như rô phi, cá xiêm chọi,... 

Song, ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào về hiệu quả của lá bàng khô trong việc phòng và điều trị bệnh cho động vật thủy sản.

Chỉ cần nhập từ khóa “ lá bàng khô”, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy hàng loạt trang bán hàng điện tử đăng các bài bán lá bàng khô với mức giá từ 800-1.000 đồng/chiếc.

Một số bài viết có nội dung quảng cáo lá bàng khô có tác dụng làm lành vết thương, giúp giữ sạch nước và ngăn chặn một số loại vi khuẩn, nấm mốc…

Lá bàng khô được rao bán trên Shopee. Ảnh: Minh họa
Lá bàng khô được rao bán trên Shopee. Ảnh: Minh họa

Một người bán lá bàng khô chia sẻ trên báo Dân Trí, trung bình bán được từ 3 - 5kg lá. Hàng sẽ được người bán đóng vào từng túi, hút chân không và bán theo lô 10 hoặc 20 lá một túi. Để đảm bảo nguồn cung, anh phải đặt thợ đi nhặt lá bàng về hàng tuần.

"Với dân nuôi cá cảnh, họ chẳng lạ gì lá bàng nữa vì nó có quá nhiều công dụng. Đặc biệt là với những người nuôi cá chọi, cá betta, họ cực kỳ thích loại dược liệu này bởi giá thành rẻ và dễ kiếm" - anh Bảo cho hay.

Ngoài các công dụng nêu trên, trong lá bàng có chứa chất violaxanthin, violeoxanthin, lutheinepoxid và luthein-izomer nên rất hữu ích trong việc nuôi cá cảnh. Các chất sẽ giúp làm giảm độ pH của nước, giúp cá không bị căng thẳng, chữa lành vết thương, kích thích sinh sản và tăng cường hệ miễn dịch.

Cá cảnh sống trong môi trường có lá bàng sẽ có bộ vây to, dầy, khỏe và sáng bóng. Không những thế lá còn giúp hấp thụ các chất hóa học độc hại sinh ra từ bể cá như NH3, H2S…

Theo đó, chia sẻ trên báo Lao Động, anh Dương Minh Hải (chuyên bán thức ăn cho cá tại TP.HCM) cho hay: Cũng khá bất ngờ vì thời gian qua nhiều người nuôi cá cảnh săn tìm sản phẩm này, và coi chúng như một loại "thần dược"  giúp cho các loại cá sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh".  Khi thấy nhu cầu của khách hàng ngày càng, anh Hải cho biết đã thuê người thu mua ở nhiều vùng miền trên cả nước để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương