WHO đưa ra bằng chứng minh oan trước làn sóng chỉ trích của thế giới

Báo cáo của WHO đề cập đến từng thời điểm và hành động của tổ chức trước sự khởi phát của dịch bệnh ở Trung Quốc cũng như toàn cầu.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã chính thức đưa ra báo cáo chi tiết về động thái của họ kể từ những ngày đầu tiên sau khi nhận được thông tin của dịch Covid-19 tại Trung Quốc vào cuối 12/2019. Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh WHO trong thời gian vừa qua đã nhận vô số chỉ trích từ Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác. 

Trong báo cáo nêu rõ các giai đoạn chính là từ ngày có những ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán, dịch bệnh lây lan bên ngoài Trung Quốc và đi đến tuyên bố đại dịch vào 11/3.

WHO đưa ra bằng chứng minh oan trước làn sóng chỉ trích của thế giới

Mục đích của bản báo cáo mà WHO đưa ra nhằm chứng minh họ đã xem xét, nghiên cứu tình hình dịch bệnh cẩn thận và có trình tự trước khi tuyên bố đại dịch. 

Về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc

WHO cho biết, ngày 31/12/2019, tổ chức này đã nhận được báo cáo của Trung Quốc về một nhóm ca bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán, Hồ Bắc. Có 11/44 ca bệnh bị nặng, còn những người khác vẫn ổn. 

Cho đến 1/1/2020, WHO đã kích hoạt nhóm giải quyết khủng hoảng bằng cách đặt nhóm này vào "tình thế khẩn cấp giải quyết một dịch bệnh mới bùng phát".

Ngày 4/1, WHO thông báo về nhóm bệnh này trên mạng xã hội và nhấn mạnh là chưa có ca tử vong. Sau đó 1 ngày, họ công bố tin về virus mới trong bản tin "Disease Outbreak News" (Tin tức bùng phát bệnh tật) vốn dành cho các nhà khoa học và các chuyên gia y tế cộng đồng.

Ngày 10/1, WHO gửi "hướng dẫn kỹ thuật" với thông tin tư vấn tới các quốc gia về việc phát hiện, xét nghiệm, quản lý các ca bệnh. Vấn đề trọng tâm của thời điểm này mà WHO muốn nhấn mạnh là chưa có chứng cứ virus chủng mới có thể lây từ người sang người. 

Dịch bệnh ở các nước khác

Ngày 11/1, Trung Quốc gửi lên WHO bảng giải mã chuỗi trình tự gen của virus corona chủng mới .Và chỉ 2 ngày sau đó, Thái Lan là quốc gia tiếp theo ghi nhận ca nhiễm loại virus này là một người từ Trung Quốc nhập cảnh sang. 

Trong cuộc họp báo ngày 14/1, bà Maria von Kerkhove, chuyên gia của WHO, cho biết có sự lây nhiễm hạn chế từ người sang người. Sở dĩ bà kết luận như vậy là bởi có hơn 41 ca bệnh được xác định và có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. 

Ngày 20 và 21/1, WHO cử chuyên gia sang Trung Quốc và khu vực Thái Bình Dương thực địa ngắn ở Vũ Hán. Phái đoàn này cho biết đã có bằng chứng về sự lây nhiễm từ người sang do tiếp xúc gần như cùng gia đình, cùng môi trường y tế tuy nhiên cần có điều tra thêm. 

Ngày 22/1 và 23/1, Tổng Giám đốc WHO ông  Tedros Adhanom Ghebreyesus triệu tập Ủy ban khẩn cấp đánh giá về tình hình dịch và cân nhắc có nên cảnh báo mức  "Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế" hay không. Ủy ban bao gồm các chuyên gia quốc tế độc lập, họ không có tiếng nói chung vì vậy quyết định họp lại sau 10 ngày. 

Ngày 28/1, Tổng giám đốc WHO dẫn đầu một phái đoàn sang Bắc Kinh và đạt được đồng thuận về việc sẽ có nhóm khoa học quốc tế tới quốc gia này. 

Tuyên bố đại dịch

Ngày 30/1, WHO tuyên bố Covid-19 là "Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế".

Từ 16 đến 24/2, một phái đoàn gồm các nhà khoa học từ Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Nigeria, Nga, Singapore và Canada đã tới Vũ Hán. Sau đó, một nhóm chuyên gia gồm các thành viên của WHO, Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật châu Âu đã tới Ý, quốc gia trở thành tâm dịch tiếp theo sau Trung Quốc.

WHO chính thức xác nhận Covid-19 là một đại dịch vào ngày 11/3, thời điểm mà có 90% ca bệnh được ghi nhận chi ở 4 quốc gia, 57 quốc gia chưa tới 10 ca và 81 quốc gia chưa hề có ca nhiễm nào. 

Thanh Mai

WHO lý giải cách Trung Quốc giảm kỷ lục số ca nhiễm virus covid-19

WHO lý giải cách Trung Quốc giảm kỷ lục số ca nhiễm virus covid-19

Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đã có nhiều khả quan trong khi trên thế giới thì các ca nhiễm ngày một tăng.