10 sự kiện tài chính ngân hàng đáng chú ý nhất năm 2020

Lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nữ thống đốc, 2020 cũng là năm thị trường tài chính nhiều biến động với việc lãi suất liên tục giảm sâu và giá vàng lên cao kỷ lục.

1. Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước có nữ Thống đốc

Bà Nguyễn Thị Hồng trở thành nữ Thống đốc đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi Quốc hội phê chuẩn vào tháng 11/2020. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sinh ngày 27/3/1968, quê Hà Nội, có trình độ chuyên môn thạc sĩ kinh tế, lý luận chính trị cao cấp và gần 30 năm  công tác tại Ngân hàng Nhà nước.

Ngành ngân hàng lần đầu tiên có nữ thống đốc. 
Ngành ngân hàng lần đầu tiên có nữ thống đốc. 

Bà từng giữ chức Phó Vụ trưởng Phụ trách rồi Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, trước khi được Thủ tướng bổ nhiệm chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần đầu vào tháng 8/2014, bổ nhiệm lại vào tháng 8/2019.

Bà Nguyễn Thị Hồng được kỳ vọng sẽ điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

2. Giá vàng lên cao kỷ lục 62,4 triệu đồng/lượng

Ngày 6/8/2020 đánh dấu lịch sử của kim loại quý khi giá thế giới tăng vọt lên 2.070,05 USD/ounce. Ở trong nước, giá vàng liên tục điều chỉnh tăng theo rất mạnh, và leo một mạch lên 62,4 triệu đồng/lượng trưa 6/8.

Giá vàng thế giới khởi động năm 2020 chỉ ở mức 1.528 USD/ounce, và được đẩy nhanh lên cao bởi nỗi sợ đại dịch COVID-19 phủ lên thị trường tài chính toàn cầu, kinh tế rơi vào suy thoái. Trong nước, giá tăng liên tục và mạnh nhất từ những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8. Có nhiều ngày vàng miếng tăng 1-2 triệu đồng/lượng. 

Dù đã chững lại, nhưng với mức giá hơn 1.887 USD/ounce chốt ngày cuối cùng của năm,  so với đầu năm 2020, vàng đã vẫn tăng gần 30%. 

Giá vàng miếng SJC đã lập đỉnh lịch sử vào tháng 8/2020, khi leo lên hơn 62 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC đã lập đỉnh lịch sử vào tháng 8/2020, khi leo lên hơn 62 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý là không như những lần sốt giá trước đó, vàng tăng giá mạnh không còn kích thích người dân xếp hàng đi mua mà chỉ có đổ xô đi bán. Người giữ vàng đã "rút kinh nghiệm" trong lần sốt năm 2011, bên cạnh đó nhiều người cũng "trữ" vàng khá lâu khi giá trên dưới 40 triệu đồng/lượng nên tập trung chốt lời.

Điều này đã khiến các công ty vàng lâm vào tình trạng thiếu có tiền mặt trả cho khách bán vàng. Chênh lệch mua bán vàng cũng bị đẩy lên rất cao, có thời điểm giá doanh nghiệp bán ra cao hơn giá mua vào vài triệu đồng/lượng.  

3. Lãi suất liên tục giảm

Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước có tới 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tổng cộng 3 lần, lãi suất tái cấp vốn đã giảm 2%/năm, lãi suất OMO giảm 1,5%/năm, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm 1%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực.

Chưa năm nào lãi suất ngân hàng liên tục giảm và thấp như năm 2020. Ảnh: NĐT
Chưa năm nào lãi suất ngân hàng liên tục giảm và thấp như năm 2020. Ảnh: NĐT

Lãi suất điều hành giảm sâu đã tạo điều kiện cho lãi suất cho vay trên thị trường giảm đáng kể. Mặt bằng thấp hơn bình quân khoảng 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019. Có một số ngân hàng đã giảm từ 1-2,5%/năm; cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, còn 4,5%/năm.

Đáng chú ý, lãi suất huy động đã xuống mức thấp kỷ lục, với lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến 3,1-4%/năm; kỳ hạn 6 tháng hiện phổ biến 3,5-6,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng khoảng 5,5-7%/năm. 

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giảm về gần 0 đối với cả VND lẫn USD. Nhu cầu thấp, nguồn tín dụng đẩy ra thị trường chậm hơn so với huy động vốn khiến các ngân hàng vay mượn nhau từ qua đêm đến 1 tuần hầu như không mất phí.

4. Hàng loạt chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch COVID-19

Trong năm 2020, trước bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, như miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ việc phòng, chống dịch COVID-19 gây ra....

Tổng cộng, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết; Chính phủ trình UBTVQH 6 Nghị quyết (trong đó có 4 NQ đã được thông qua). Đồng thời, trình Chính phủ ban hành 25 Nghị định, 5 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 103 Thông tư.

Một loạt chính sách miễn, giảm thuế, phí được đưa ra kịp thời để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn đại dịch. Ảnh: DĐDN
Một loạt chính sách miễn, giảm thuế, phí được đưa ra kịp thời để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn đại dịch. Ảnh: DĐDN

Đặc biệt, một loạt các loại phí, lệ phí đã được Bộ Tài chính trình cắt giảm, nhằm giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Như giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...

5. Hàng triệu tỷ đồng vốn rẻ được bơm ra thị trường

COVID-19 khiến doanh nghiệp, đặc biệt các lĩnh vực du lịch, hàng không, xuất khẩu... hết sức khó khăn. Ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ, cơ cấu lại nợ, đồng hành cùng khách hàng. 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2020 các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.000 khách hàng với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng.

Trong năm 2020 các tổ chức tín dụng đã cho vay mới với lãi suất rẻ hơn từ 0,5 – 2,5%/năm so với lãi suất trước khi có dịch bệnh xảy ra, với tổng dư nợ gần 2,3 triệu tỷ đồng. Ảnh: TP
Trong năm 2020 các tổ chức tín dụng đã cho vay mới với lãi suất rẻ hơn từ 0,5 – 2,5%/năm so với lãi suất trước khi có dịch bệnh xảy ra, với tổng dư nợ gần 2,3 triệu tỷ đồng. Ảnh: TP

Các tổ chức tín dụng cũng cho vay mới với lãi suất rẻ hơn từ 0,5 – 2,5%/năm so với lãi suất trước khi có dịch bệnh xảy ra, với tổng dư nợ gần 2,3 triệu tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội mặc dù không thuộc đối tượng cơ cấu lại nợ, nhưng cũng đã gia hạn nợ cho khách hàng với gần 4.200 tỷ đồng và cho vay mới hơn 72.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng năm 2020 sau 2 đợt là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

6. Thị trường chứng khoán huy động cho nền kinh tế 383.600 tỷ đồng

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ tính đến 17/12/2020, tổng mức huy động vốn của thị trường chứng khoán đã đạt 383.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Chỉ số VN-Index tính đến ngày 24/12/2020 đạt 1.067,52 điểm, tăng 11,1% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường đạt gần 5 triệu tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm 2020 đến ngày 17/12 đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019. 

 Tính đến ngày 17/12/2020, tổng mức huy động vốn của thị trường chứng khoán đạt 383.600 tỷ đồng. Ảnh:  Báo Tin tức
 Tính đến ngày 17/12/2020, tổng mức huy động vốn của thị trường chứng khoán đạt 383.600 tỷ đồng. Ảnh:  Báo Tin tức

Thị trường có 750 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 905 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt gần 1.5 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2019.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 từ đầu năm đến 17/12 đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với bình quân giao dịch năm 2019.

7. Ngân hàng ồ ạt lên sàn, chuyển sàn niêm yết

COVID-19 không làm cản trở kế hoạch niêm yết của các nhà băng. Có tổng cộng 9 nhà băng lên sàn, chuyển sàn niêm yết ngay trong năm 2020. Một trong những lý do khiến ngân hàng ồ ạt lên sàn vì 2020 là hạn chót để các ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết theo "Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018. 

Tiên phong cho làn sóng chuyển sàn niêm yết trong năm 2020 là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank). Nhà băng đã đưa 977 triệu cổ phiếu từ UPCoM lên HoSE vào tháng 10/2020. Ngay sau đó là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng chuyển gần 1 tỷ cổ phiếu niêm yết từ UpCoM lên HoSE.

Năm 2020, MSB là ngân hàng duy nhất đưa cổ phiếu lên niêm yết thẳng trân sàn HoSE. Ảnh: MSB
Năm 2020, MSB là ngân hàng duy nhất đưa cổ phiếu lên niêm yết thẳng trân sàn HoSE. Ảnh: MSB

Đến tháng 12, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã chuyển từ sàn HNX sang HoSE niêm yết hơn 2,1 tỷ cổ phiếu ACB.

Đặc biệt, MSB là ngân hàng đưa thẳng hơn 1,17 tỷ cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE.

5 ngân hàng là Nam A Bank, Vietcapital Bank, Saigonbank, PGBank và ABBank đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM.

Ngoài ra, 3 ngân hàng SHB, OCB và SeABank cũng đã nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE, hiện OCB đã được chấp thuận. Nhà băng này sẽ đưa hơn 1 tỷ cổ phiếu niêm yết trên HoSE vào đầu năm 2021.

8. “Giải cứu” Vietnam Airlines 

Đây có lẽ là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên được "giải cứu" tính đến thời điểm này. Ngày 17/11/2020, với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam -Vietnam Airlines, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi 4%/năm, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Vietnam Airlines được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, để tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng hàng không quốc gia dự kiến năm 2020 lỗ 14.445 tỷ đồng. Ảnh: VNA
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng hàng không quốc gia dự kiến năm 2020 lỗ 14.445 tỷ đồng. Ảnh: VNA

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 29/12, cổ đông đã thông qua chủ trương cho phép Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, với quy mô 8.000 tỷ đồng. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ mua cổ phiếu tại Vietnam Airline theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Đến cuối tháng 12/2020,  số lỗ hợp nhất của Vietnam Airlines  dự kiến 14.445 tỷ đồng, trong đó lỗ của công ty mẹ dự kiến ở mức 12.000 tỷ đồng, giảm 2.420 tỷ so với kế hoạch. 

Vietnam Airlines dự kiến phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023 và hết lỗ luỹ kế vào năm 2025.

9. Bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp 

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thêm một năm “bùng nổ,” đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Theo số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến hết tháng 11, thị trường có 2.311 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó 1.970 đợt phát hành thành công, với tổng giá trị phát hành thành công đạt 348.400 tỷ đồng, chiếm 68,5% tổng giá trị đăng ký. 

Doanh nghiệp bất động sản là nhóm bùng nổ phát hành trái phiếu trong năm 2020. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp bất động sản là nhóm bùng nổ phát hành trái phiếu trong năm 2020. Ảnh minh họa

Cụ thể, kỳ hạn phát hành bình quân là 4,07 năm, với số doanh nghiệp phát hành thành công là 237 đơn vị, (trong đó có 3 doanh nghiệp đã phát hành thành công 185 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế).

Trong 11 tháng của năm, tổng tượng phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp tăng gần 25% so với năm 2019. Diễn biến thị trường trái phiếu tăng trưởng nóng đến cuối quý III và hạ nhiệt sau khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực từ 1/9.

Tuy nhiên, xét chung cả năm, đây vẫn là năm bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. 

Báo cáo của ADB phát hành mới đây khẳng định thị trường trái phiếu Việt Nam có mức tăng trưởng theo quý cao nhất khu vực Đông Á mới nổi, với quy mô tính đến cuối tháng 9 đạt 65,3 tỷ USD.

Công ty chứng khoán VNDirect dự báo thị trường này sẽ phục hồi trở lại vào năm 2021. 

10. Dự trữ ngoại hối lập kỷ lục gần 100 tỷ USD

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến tháng 10/2020, dự trữ ngoại hối đã tăng lên con số kỷ lục là 93 tỷ USD từ mức 84 tỷ USD hồi tháng 4/2020. Có khả năng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ cán mốc 100 tỷ USD vào cuối năm nay, là mức cao nhất trong nhiều năm qua.

2020 là năm Việt Nam được cho là điều hành chính sách tỷ giá thành công, dự trữ ngoại hối tăng lên cao nhất từ trước đến nay. Ảnh minh họa
2020 là năm Việt Nam được cho là điều hành chính sách tỷ giá thành công, dự trữ ngoại hối tăng lên cao nhất từ trước đến nay. Ảnh minh họa

Năm 2020, Việt Nam đã mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết tốt lượng tiền trong lưu thông, không gây tác động lên lạm phát. Việc điều hành chính sách tiền tệ được thực hiện rất nhất quán và giữ được nền tảng ổn định cho nền kinh tế.

Có được con số ấn tượng trên một phần nhờ có nguồn ngoại tệ dồi dào từ lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 ước đạt 15,8 tỷ USD, tương đương 5,8% GDP. Cùng với đó, tính từ đầu năm tới hết ngày 15/11, cán cân thương mại hàng hoá vẫn duy trì trạng thái thặng dư với 19,42 tỷ USD.

Theo nhiều chuyên gia, có nhiều yếu tố giúp dự trữ ngoại hối Việt Nam liên tục tăng cao. Trong đó, xuất siêu cao kỷ lục cũng là một yếu tố đáng lưu ý. Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Bên cạnh đó,  bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam vẫn rất khả quan…

H.LINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương