3 bệnh nhân ngộ độc botulinum ở TP.HCM bị liệt hoàn toàn, phải thở máy

Liên quan đến chùm ca bệnh ngộ độc botulinum, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 3 bệnh nhân đều phải thở máy, sức cơ chỉ còn 0,5 - 1,5, tức là bị liệt hoàn toàn.

Các bệnh nhân ngộ độc Botulinum đang được theo dõi gồm 2 anh em ruột (26 tuổi và 18 tuổi) cùng một người đàn ông 45 tuổi (đều ngụ TP Thủ Đức).

Trong đó, 2 anh em ruột điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người còn lại ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Đây là các ca ngộ độc botulinum xuất hiện ngay sau khi 3 trẻ nhỏ nhập viện vì ăn chả lụa bán dạo.

Ngày 22/5, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa cho biết, 3 bệnh nhân đều phải thở máy, sức cơ chỉ còn 0,5 - 1,5, tức là bị liệt hoàn toàn. Trong khi trước đó chỉ có 2 bệnh nhân phải thở máy và sức cơ của bệnh nhân còn lại ở mức 3/5 - 4/5.

3 bệnh nhân ngộ độc botulinum ở TP.HCM bị liệt hoàn toàn, phải thở máy - Ảnh 1.

Thuốc giải độc BAT trị giá 8.000 USD/lọ đã hết nên không có để điều trị cho 3 bệnh nhân. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Theo bác sĩ Hùng, nguyên nhân khiến bệnh nhân bị liệt là do độc chất botulinum. Nếu có thuốc giải độc BAT sẽ phát huy tác dụng kháng độc tố, trung hòa chất độc làm bệnh ngưng tiến triển. Trong trường hợp không có thuốc giải, độc tố tiếp tục tấn công bệnh nhân.

"Các chất độc botulinum tấn công vào hệ thống thần kinh cơ, từ đấy làm cho việc dẫn truyền của thần kinh cơ không còn nữa, làm cho các cơ không được điều khiển được, dẫn tới tình trạng liệt. Nếu chỉ liệt tay, liệt chân thì chưa có nguy hại ngay đến tính mạng, nhưng nếu liệt cơ hô hấp sẽ dẫn tới tình trạng suy hô hấp cấp và tử vong nếu chúng ta không có những điều trị hỗ trợ", BS Lê Quốc Hùng cho hay.

3 bệnh nhân ngộ độc botulinum ở TP.HCM bị liệt hoàn toàn, phải thở máy - Ảnh 2.

Các bác sĩ trao đổi nghiệp vụ điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc Botulinum. (Ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy)

Trước đó, như đã thông tin, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) hội chẩn phát hiện thêm 3 ca nghi ngộ độc botulinum, trong đó có 2 anh em ruột 18 tuổi và 26 tuổi ngộ độc vì ăn bánh mì chả lụa, người còn lại là nam 45 tuổi, ăn mắm để lâu ngày. Ngành y tế thành phố Thủ Đức đã xác minh được cơ sở sản xuất chả lụa và lấy mẫu để đi xét nghiệm. Đây là cơ sở mới mở, chưa có giấy phép hoạt động.

Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc Botulinum, TS.BS Lê Quốc Hùng khuyến cáo người dân, trong khâu chế biến các loại thức ăn đóng chai, lọ hay bọc kín cần làm sạch môi trường, lau chùi, vệ sinh thường xuyên khu vực chế biến để tránh bụi bẩn, đất, cát và các vi khuẩn độc hại bám vào thực phẩm. Việc đóng gói thực phẩm nên áp dụng các kỹ thuật hiện đại. Các nhà sản xuất khi đóng gói thường chiếu tia khử khuẩn để cho thực phẩm an toàn. Người dân tự đóng gói tại nhà nguy cơ mất an toàn rất cao. Một biện pháp mà bác sĩ Hùng cho rằng người dân nên áp dụng khi đóng, gói kín thực phẩm là sử dụng độ mặn trên 5% muối/100gr thức ăn do ở môi trường mặn quá vi khuẩn không phát triển được.

Người dân lưu ý không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng, đặc biệt là các sản phẩm đóng hộp bị phồng, biến dạng bởi đó là những sản phẩm đã bị vi khuẩn botulinum hoặc vi khuẩn khác tấn công; hoặc dù còn hạn sử dụng, không bị biến dạng nhưng khi mở ra không còn hương vị tự nhiên cũng không nên ăn. Điển hình như trường hợp hai trẻ em ngộ độc Botulinum ở thành phố Thủ Đức ăn chả lụa gói kín bằng nilon và đã bắt đầu có dấu hiệu chảy nước, mùi vị không bình thường. Người dân có thể nấu chín các thực phẩm đóng hộp, gói kín ở nhiệt độ cao từ 10 - 15 phút giúp giảm nguy cơ ngộ độc botulinum và các vi khuẩn gây ngộ độc khác.

(Nguồn: Tổng hợp)

THANH TRÚC