Cựu Thị trưởng London Boris Johnson đã giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ Jeremy Hunt – đương kim Ngoại trưởng Anh, sau khi nhận được sự ủng hộ của những thủ lĩnh ủng hộ Brexit như Jacob Rees-Mogg và Steve Baker.
Ông Johnson đã giành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ là 66%, tương đương với 92.153 số phiếu cử tri, gần gấp đôi con số 46.656 của đối thủ Jeremy Hunt.
Tuy nhiên, ông Boris Johnson có thể phải đối mặt với những thách thức nan giải nhất trong vai trò là Thủ tướng Anh kể từ thời Thủ tướng Winston Churchill trong Thế chiến II.
Giải quyết vấn đề Iran
Chưa đầy 1 tuần trước khi ông Johnson được bầu làm Thủ tướng Anh, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bắt giữ 1 tàu chở dầu treo cờ Anh trên Eo biển Hormuz cùng với 23 thủy thủ đoàn.
Căng thẳng vùng Vịnh leo thang từ khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi năm 2018. Trong 2 tháng qua, khu vực này ngày càng "nóng" lên khi Tehran bị cáo buộc phá hoại các tàu chở dầu trên vùng Vịnh và Washington tăng cường hiện diện quân sự tại đây.
Đầu tháng này, Anh đã bắt giữ 1 tàu Iran do nghi ngờ tàu này chở dầu bị cấm vận tới Syria. Iran cũng bắt giữ một tàu của Anh hồi tuần trước ngay khi những tranh cãi giữa 2 bên vẫn tiếp diễn.
Để đáp trả động thái này của Iran, Ngoại trưởng Jeremy Hunt hôm 22/7 cho biết nước Anh sẽ đàm phán với các nước châu Âu khác nhằm thiết lập một “nhiệm vụ bảo vệ hàng hải”. Ông Hunt cũng nói thêm, điều này rất giống với một kế hoạch mà phía Washington đưa ra, nhưng quan điểm của Anh sẽ khác với Mỹ về vấn đề thỏa thuận hạt nhân 2015.
Mặc dù ông Johnson từng chỉ trích Tổng thống Trump trong quá khứ, nhưng tân Thủ tướng Anh gần đây đã lưỡng lự trong việc chỉ trích vào ông Trump, cũng như từ chối lên án những nhận xét của Tổng thống Trump về vụ rò rỉ điện tín của cựu Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch.
Ngoài ra, những người chỉ trích cho rằng, khả năng của tân Thủ tướng Anh rất kém khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc tế tế nhị như vậy. Hồ sơ chính trị ngoại giao của ông Johnson cũng không nổi bật, và những đối thủ của ông Johnson sẽ chỉ ra những sai lầm ngớ ngẩn và công kích vào đó.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Iran Zarif cũng đã nhanh chóng chúc mừng ông Johnson trở thành người đứng đầu nước Anh, nhưng ông Zarif cũng đưa ra cảnh báo rằng khi Iran “không muốn tìm kiếm sự đối đầu… Đó là vùng biển của chúng tôi và chúng tôi sẽ bảo vệ vùng này”.
Bài toán Brexit
Khẳng định rằng muốn tránh xung đột với Iran, song ông Johnson vẫn còn phải giải quyết một thách thức phức tạp không kém và kéo dài trong hơn 3 năm qua mang tên: Brexit.
Người dân Anh đã bỏ phiếu rời EU hồi tháng 6/2016 nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã phải từ chức vì đã không mang về cho nước Anh một thỏa thuận Brexit được nghị viện chấp nhận.
Ông Johnson - một người ủng hộ Brexit mạnh mẽ đã cam kết sẽ tái đàm phán thỏa thuận Brexit của ông với EU trong khung thời gian nhất định. Tuy nhiên, ngay cả sau khi cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng Anh kết thúc, các quan chức EU vẫn nhắc lại quan điểm mà họ đã khẳng định trong những tháng qua rằng: EU không có kế hoạch đàm phán lại thỏa thuận mà họ đã nhất trí với bà May năm 2018.
Nếu ông Johnson không thể thành công với thỏa thuận mới, số phận của ông có thể cũng giống như vị Thủ tướng tiền nhiệm và nước Anh sẽ rời khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.
Nhiều chuyên gia cảnh báo "Brexit không thỏa thuận" có thể tạo nên một thảm họa kinh tế cho nước Anh cũng như những nước EU láng giềng.
Tân thủ tướng Anh Boris Johnson. |
Theo đài NBC nhận định, nếu ông Johnson không đạt được thỏa thuận Brexit mới, thì ông này sẽ phải đưa nước Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào hết.
Rất nhiều chuyên gia và lãnh đạo công nghiệp cho biết, nếu London không đạt được thỏa thuận Brexit thì điều này sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế Anh và các nước châu Âu khác. Bởi tác động của nó sẽ khiến cho lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm trở nên thiếu thốn.
Thành lập Nội các và hàn gắn những chia rẽ
Bắt đầu với việc thành lập Nội các, ông Boris Johnson được cho là sẽ bổ nhiệm hàng loạt vị trí mới trong ngày 24/7. Một đồng minh của tân Thủ tướng Anh nhận định rằng: "Ông Boris sẽ xây dựng một nội các với những nhân vật tài năng trong đảng, phản ảnh về một nước Anh hiện đại".
Cựu Bộ trưởng Phát triển Priti Patel từng bị bà May sa thải có thể sẽ quay trở lại Nội các của ông Boris Johnson với vai trò là Bộ trưởng về các vấn đề nhà ở, trong khi Bộ trưởng Lương hưu và Việc làm Alok Sharma cũng sẽ giữ một vị trí quan trọng.
Trong khi đó, các quan chức như Rishi Sunak và Tracey Crouch được cho là sẽ thăng chức dưới sự lãnh đạo mới của tân Thủ tướng Anh.
Ông Johnson đang phải đối mặt với tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong việc giải quyết các vấn đề với đối thủ vừa bị ông đánh bại. Những người ủng hộ ông Jeremy Hunt đều khẳng định rằng Ngoại trưởng Anh sẽ không chấp nhận bất kỳ công việc nào nếu ông bị giáng chức.
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson từng bị đối thủ Jeremy Hunt công kích nhiều lần trong suốt chiến dịch tranh cử khi ông Hunt cho rằng ông Johnson quá "nhát gan khi không dám xuất hiện trong các cuộc tranh luận trên truyền hình".
Trong một bài phát biểu, ông Johnson đã khẳng định rằng công việc của ông "vào thời điểm quan trọng trong lịch sử của chúng ta" là sẽ "hòa giải giữa 2 xu hướng đối lập nhau - giữa mong muốn sâu sắc về một tình hữu nghị, sự tự do thương mại, an ninh và quốc phòng của Anh và EU với những mong muốn về một chính phủ dân chủ tự chủ trong đất nước này".
Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, ông Johnson đã nhắc lại lời hứa tranh cử của ông là "thực hiện Brexit, đoàn kết đất nước và đánh bại Jeremy Corbyn".
Tân Thủ tướng Anh khẳng định rằng ông sẽ "hoàn thành Brexit ngày 31/10" với "tinh thần mới là có thể làm mọi thứ" (new spirit of can-do), đồng thời cho biết thêm: "Chúng ta hãy một lần nữa tin vào bản thân minh và những điều chúng ta có thể đạt được như một người khổng lồ thức giấc và cởi bỏ sợi dây nghi ngờ bản thân đã trói buộc chúng ta"./.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa