6 thực phẩm vốn tốt cho sức khỏe nhưng ăn quá nhiều không khác gì tự “đầu độc”

Ngay cả với thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe chúng ta cũng chỉ nên dùng điều độ. Lạm dụng có thể gây tác dụng phụ và nhiều bệnh tật.

Khi mức sống ngày càng được cải thiện, việc ăn uống cũng không còn chỉ quan tâm tới no hay ngon mà còn phải tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều loại thực phẩm vốn lành mạnh nhưng khi ăn uống quá độ lại phản tác dụng, thậm chí gây ra nhiều bệnh tật. Có thể kể đến như:

1. Nước hầm xương

Nhiều người cho rằng nước hầm xương hay canh xương giàu dinh dưỡng, bổ sung canxi nên ăn càng nhiều càng tốt. Thực tế thì hàm lượng dinh dưỡng trong nước hầm xương khá nghèo nàn. Vị ngọt không đến từ sự bổ dưỡng mà là sự kết hợp của glutamin có trong thịt và xương cùng muối (có sẵn trong thực phẩm + nêm nếm) tạo ra một chất có vị ngọt đặc biệt tên là monosodium glutamate.

  Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hàm lượng canxi trong 100ml nước hầm xương chỉ khoảng 2mg nhưng 200ml sữa có 200mg canxi. Lượng canxi trong nước hầm xương đã thấp lại ở dạng vô cơ nên không dễ hấp thu, nhất là đối với trẻ em và người già. Thậm chí, dùng quá nhiều nước hầm xương còn có thể làm giảm hiệu quả hấp thụ canxi của cơ thể. Do nó có hàm lượng photpho tương đối cao. Món này cũng nhiều chất béo nên dễ làm tăng cholesterol, axit uric…

2. Nước ép trái cây

So với uống nước ép trái cây, các chuyên gia sức khỏe khuyên bạn nên dùng trái cây tươi. Nước ép trái cây cũng tốt cho sức khỏe nhưng nếu là uống không quá thường xuyên và uống nguyên chất, chọn loại trái cây ít đường, không thêm đường khi uống. Trẻ em trên 7 tuổi và người lớn không nên uống quá 240ml nước ép trái cây mỗi ngày, tốt hơn là nên ăn thêm trái cây tươi.

Bởi loại đồ uống này chứa đường fructose và đường fructose trong trái cây sẽ dễ dàng hấp thụ hơn bằng cách ép trái cây thành nước trái cây. Các nghiên cứu cho thấy những người uống một hoặc nhiều ly nước ép trái cây mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng 21%. Trẻ em có hệ tiêu hóa còn non nớt dễ không dung nạp đường fructose, làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy. Uống quá nhiều nước ép trái cây còn dễ gây tăng cân, béo phì, gan nhiễm mỡ.

3. Sữa và sản phẩm từ sữa

Mặc dù các sản phẩm từ sữa chứa rất nhiều vitamin và chất dinh dưỡng, nhưng tiêu thụ quá nhiều sữa cũng như thực phẩm từ sữa lại hại nhiều hơn lợi. Bởi chúng chứa hàm lượng dinh dưỡng và chất béo cao khiến bạn tăng cân nhanh chóng. Chưa kể, một số loại có thể chứa nhiều chất béo bão hòa và đường. Như vậy nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ gây tăng cân và tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh tật khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, các thực phẩm này khi dùng quá nhiều cũng không tốt cho dạ dày, có thể gây rối loạn tiêu hóa. Sữa và sản phẩm từ sữa còn chứa lượng photpho cao, dùng quá nhiều gây áp lực lớn cho thận, tăng nguy cơ hình thành sỏi ở nhiều cơ quan. Thậm chí, điều này có thể gây loãng xương do cản trở hấp thụ canxi.

4. Salad rau củ

Salad rau củ thường được xếp vào danh sách tốt cho sức khỏe, nhất là với người muốn giảm cân. Tuy nhiên, ăn quá nhiều salad có thể gây ra một số tác dụng phụ, phản tác dụng và không tốt cho sức khỏe. Ví dụ như việc salad rau củ chiếm quá nhiều tỷ trọng trong khẩu phần ăn gây rối loạn, thiếu dinh dưỡng. Ăn quá nhiều chất xơ cũng có thể dẫn tới các khó chịu như trường bụng, đầy hơi, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa.

Chưa kể rau củ sống trong salad không thân thiện với tất cả mọi người và còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng , thuốc trừ sâu nếu lựa chọn thực phẩm không uy tín, sơ chế không đúng cách. Ít người biết rằng nước sốt/hỗn hợp trộn salad thường nhiều đường, muối và chất béo nên dùng nhiều vẫn dễ tăng cân.

5. Cá ngừ

Cá ngừ - bao gồm cả cá ngừ tươi và cá ngừ đóng hộp đều bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều. Bên cạnh axit béo Omega-3 và protein quý giá, loại cá này cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc, nhiễm kim loại nặng. Đặc biệt là nếu bạn thường ăn các món có cá ngừ sống.

Tiêu thụ quá nhiều cá ngừ, nhất là cá ngừ sống có thể tích tụ lượng thủy ngân cao trong cơ thể bạn. Từ đó gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: tổn thương não và tim, chậm phát triển ở trẻ em… Cá ngừ sống cũng có thể nhiễm ký sinh trùng và gây hại khi ăn phải. Kích thước cá ngừ càng lớn thì nguy cơ nhiễm thủy ngân càng cao.

6. Trà

Trà được cho là một loại đồ uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe nhưng uống vô tội vạ thì cũng không hề tốt mà còn gây hại cho sức khỏe. Uống 2 - 3 tách trà xanh mỗi ngày được coi là an toàn cho hầu hết người lớn và tốt nhất không nên uống quá 5 tách trà 1 ngày. Tiêu thụ quá mức có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó chịu ở dạ dày, mất ngủ, phát ban trên da, tăng huyết áp, thiếu máu…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong một số ít trường hợp, chiết xuất trà xanh có thể gây ra các vấn đề về gan. Trà có nhiều florua khi uống quá nhiều có thể gây hại cho thận, thậm chí gây suy thận. Trà cũng có thể tương tác xấu với một số loại thuốc. Chất tanin trong trà làm giảm sự hấp thu axit folic nên các bà mẹ mang thai được khuyên không nên uống trà trong thai kỳ.

Nguồn và ảnh: The Paper, Family Doctor

Ngọc Ái

5 loại thực phẩm là “kẻ đồng lõa” của tế bào ung thư, nhiều người biết hại vẫn không bỏ được

5 loại thực phẩm là “kẻ đồng lõa” của tế bào ung thư, nhiều người biết hại vẫn không bỏ được

Bởi vì sở thích hoặc tiếc rẻ mà rất nhiều người dù biết thói quen ăn uống của mình không tốt, thậm chí gây ung thư nhưng vẫn không thể bỏ.