Thận là cơ quan nội tạng rất quan trọng trong cơ thể người, dù là nam hay nữ. Bởi vì ngoài chức năng sinh lý ở nam giới, thận còn chịu trách nhiệm lọc máu, loại bỏ chất thải qua nước tiểu, sản xuất hormone, cân bằng khoáng chất và duy trì sự cân bằng chất khác trong cơ thể. Tuy nhiên, cơ quan này lại rất dễ bị tổn thương bởi những thói quen nhỏ nhặt hàng ngày.
7 điểm chung ở những người có thận không khỏe mạnh
Theo bác sĩ Lý thuộc Khoa chăm sóc tích cực, Bệnh viện trực thuộc thứ hai của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân (Hắc Long Giang, Trung Quốc), khi thận bắt đầu bị tổn thương, dù chưa hình thành bệnh lý một cách rõ ràng thì cơ thể cũng đã có những thay đổi nhất định. Sau đây là 7 điểm chung phổ biến nhất ở những người có thận không khỏe, mắc bệnh thận:
- Phù nề: Thận không khỏe dễ dẫn tới không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Từ đó gây ra ứ nước và phù nề. Thường dễ nhìn thấy ở mí mắt, quanh mắt cá chân và cẳng chân.
Một số dấu hiệu thận tổn thương có thể được nhìn thấy bằng mắt (Ảnh minh họa) |
- Nước tiểu thay đổi: Một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất khi thận tổn thương là bất thường ở nước tiểu. Trong đó, thường gặp nhất là tăng lượng bọt trong nước tiểu do hàm lượng protein trong nó tăng cao. Trường hợp bệnh thận nặng còn có nước tiểu đậm màu, tiểu ra máu, nước tiểu lẫn máu. Bên cạnh đó, người có thận yếu thường đi tiểu nhiều hơn, nhất là vào ban đêm.
- Khô và ngứa da: Da khô và ngứa có thể xảy ra do sự tích tụ chất độc trong cơ thể, mất cân bằng khoáng chất/dinh dưỡng trong máu khi thận suy giảm chức năng.
- Chán ăn, buồn nôn: Do chất thải tích tụ trong cơ thể khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến chán ăn, buồn nôn.
- Huyết áp cao: Chức năng thận kém có thể dẫn đến tăng huyết áp, đây cũng là biến chứng thường gặp của bệnh thận mãn tính.
- Thiếu máu: Chức năng thận suy giảm sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất hồng cầu và có thể dẫn đến thiếu máu, biểu hiện xanh xao, chóng mặt.
- Hay bị chuột rút: Khi chức năng thận bị suy giảm, quá trình lọc máu diễn ra không bình thường sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng điện giải. Điều đó làm cơ thể dễ bị hạ canxi, không kiểm soát được photpho và… gây ra tình trạng chuột rút cơ.
7 hành vi tổn thương thận trong cuộc sống hàng ngày
Bác sĩ Lý cũng cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến thận tổn thương và mắc bệnh nhưng trong xã hội hiện đại thì lối sống không lành mạnh chiếm đa số. Phổ biến nhất là 7 hành vi sau đây:
- Ăn uống mất cân bằng lâu dài: Chế độ ăn nhiều muối, nhiều protein, nhiều chất béo sẽ làm tăng gánh nặng cho thận. Ăn quá nhiều muối trong thời gian dài có thể làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến chức năng thận. Chế độ ăn giàu protein sẽ làm tăng tốc độ lọc cầu thận và đẩy nhanh quá trình lão hóa thận.
- Uống quá ít hoặc quá nhiều nước: Không uống đủ nước có thể dẫn đến nước tiểu cô đặc, không chỉ làm tăng nguy cơ sỏi thận mà còn làm giảm chức năng lọc của thận. Ngược lại, uống quá nhiều nước còn có thể gây ngộ độc nước và ảnh hưởng đến cân bằng điện giải.
- Nhịn tiểu lâu: Việc nhịn tiểu sẽ làm tăng áp lực bàng quang, khiến nước tiểu chảy ngược vào thận, gây ra các bệnh truyền nhiễm như viêm bể thận, thậm chí nặng hơn là suy thận.
Không chỉ uống ít nước, uống quá nhiều nước cũng không tốt cho thận (Ảnh minh họa) |
- Lạm dụng thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau, kháng sinh và thuốc chống viêm không steroid (NSAID), có thể gây tổn thương thận nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc quá mức. Vì vậy, việc sử dụng thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt lời khuyên của bác sĩ.
- Thường xuyên thức khuya, mệt mỏi: Thức khuya, làm việc quá sức trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng liên tục, dẫn đến chức năng miễn dịch suy giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe thận.
- Hút thuốc và lạm dụng rượu: Các chất có hại trong thuốc lá có thể làm tổn thương mạch máu và ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho thận; lạm dụng rượu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi chất của thận và làm tăng gánh nặng cho thận.
- Lười vận động: Điều này dẫn đến suy giảm chức năng cơ thể, làm chậm quá trình trao đổi chất và tăng gánh nặng cho thận. Đồng thời, việc thiếu vận động cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng điều tiết của hệ thần kinh, dẫn đến tinh thần căng thẳng quá mức và từ đó gây hại cho thận.
Nguồn và ảnh: QQ, Family Doctor
Cơ thể xuất hiện 5 dấu hiệu chứng tỏ thận yếu, duy trì 4 thói quen giúp dưỡng thận, cơ thể trẻ khỏe thấy rõ
Thận yếu thể hiện qua 5 dấu hiệu thay đổi trong cơ thể nhưng không phải ai cũng nắm rõ.