Ăn vặt trước cổng trường, 32 học sinh ở Hà Giang nhập viện cấp cứu

Sau khi mua và sử dụng thức ăn trước cổng trường, 32 học sinh trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hương Sơn, huyện Quảng Bình, Hà Giang nhập viện do ngộ độc thực phẩm.

Theo thông tin trên báo Sức khỏe Đời sống, vào khoảng 18h ngày 3/3, sau khi ăn bữa cơm tối có 32 cháu học sinh khối lớp 3,4,5 ra cổng trường mua quả xoài và xoài trộn với gia vị (muối, đường, ớt bột) của hộ kinh doanh trước cổng trường về ăn, sau đó bị đau bụng, đau đầu, hoa mắt, buồn nôn và nôn ra thức ăn.

Ông Ngọc Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Giang thăm các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm.

Khi phát hiện các học sinh có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, nhà trường đã báo cáo Đảng ủy, UBND, Công an xã Hương Sơn, phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức đưa các cháu vào Trạm Y tế xã Hương Sơn sơ cấp cứu sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang lúc 20h54 ngày 3/3, theo VTV.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với trung tâm y tế huyện, công an xã tiến hành lấy mẫu và niêm phong mẫu thực phẩm, bệnh phẩm lưu tại trường (Bữa ăn sáng: bánh chuối, sữa tươi; Bữa ăn trưa: cơm tẻ, Thịt gà xào, bắp cải xào, canh bí đỏ; Bữa ăn tối: cơm tẻ, thịt lợn băm, canh rau cải, su su xào, dầu ăn).

Ngoài ra, công an xã có làm việc với chủ hộ kinh doanh và niêm phong 7kg quả xoài và gia vị, ớt bột, đường kính trắng, gửi Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm Quốc gia tiến hành xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Qua theo dõi và điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Bắc Quang, đến 9h ngày 5/3, tất cả 32 cháu sức khỏe đều ổn định đã được xuất viện và trở lại đi học bình thường.

Cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm

Khi thấy chính mình hoặc người thân, người xung quanh đang có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, cần bình tĩnh thực hiện tuần tự các bước sơ cứu sau đây:

  1. Gây nôn (nếu bệnh nhân không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu ngộ độc thực phẩm đầu tiên là kích thích để người bị ngộ độc nôn ra những thức ăn đang ở trong dạ dày đi ra ngoài. Có thể rửa sạch tay rồi đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Bệnh nhân cần nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Trong lúc tiến hành gây nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không kích thích quá mức gây sặc cho người bệnh. Với trường hợp bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên thực hiện kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
  2. Cho người bệnh uống thật nhiều nước và được nghỉ ngơi: Sau khi bệnh nhân nôn và đi ngoài liên tục thì cơ thể sẽ bị mất nhiều nước. Chính vì vậy, đó là lúc cần tiến hành bù nước cho người bệnh. 
  3. Gọi cấp cứu theo số máy 115 hoặc đưa bệnh nhân đến ngay tại cơ sở y tế gần nhất: Vì mặc dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu, song bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm và biến chứng bất cứ lúc nào. Vậy nên, người bị ngộ độc cần được sự trợ giúp và theo dõi từ nhân viên y tế.

HẢI MY