Anh công nhận 'hộ chiếu vaccine' của Việt Nam

Chính phủ Anh công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 của 135 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, theo cập nhật mới nhất của chính phủ nước này vào hôm 28/10.

Theo đó, người có giấy tờ chứng minh đã tiêm đủ liều phải xét nghiệm COVID-19 trong vòng 2 ngày sau nhập cảnh và chỉ bị cách ly khi kết quả dương tính.

Cụ thể các loại vaccine được Anh chấp nhận là AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, Janssen của Johnson&Johnson, Covishield (AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ) và Moderna Takeda (Nhật).

Ngoài ra, Anh cũng chấp nhận việc tiêm trộn 2 loại vaccine, nằm trong danh sách các vaccine cấp phép trên, chấp nhận việc tiêm 2 mũi ở 2 nơi khác nhau. Người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh không được tính vào diện đã tiêm đầy đủ.

photo1625827089750-1625827089839778586458.jpg

Thông tin trên giấy chứng nhận tiêm có thể được thể hiện bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Pháp do cơ quan y tế nhà nước cấp.

Các thông tin tối thiểu phải có gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, loại vaccine được tiêm và nhà sản xuất, ngày tiêm mũi 1 và mũi 2 (với loại cần tiêm 2 mũi), quốc gia/vùng lãnh thổ cấp giấy chứng nhận tiêm.

Việc Anh công nhận "hộ chiếu vaccine" của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa hai nước.

Trước đó, vào hôm 21/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam hiện Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ, theo báo Chính phủ.

Theo đó, người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, hoặc đã mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm vaccine. Trên thực tế, giấy chứng nhận tiêm vaccine của Việt Nam đã được một số nước công nhận và cho nhập cảnh.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lao động, chuyên gia, nhà đầu tư và một số đối tượng đặc thù khác phục vụ mục tiêu phát triển, Bộ Ngoại giao cũng đã tham khảo ý kiến của các bộ, ngành địa phương về những vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy trình xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh theo hướng bổ sung hộ chiếu/giấy chứng nhận tiêm chủng vào thành phần hồ sơ của quy trình cấp thị thực, giảm thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường phân cấp hơn nữa cho các bộ, ngành.

(Tổng hợp)

HẢI MY