Ngược dòng lịch sử, rất ngạc nhiên khi hình ảnh chiếc áo dài Việt với hai tà áo thướt tha được ông cha ta tìm thấy qua các hình khắc trên mặt trống đồng và hiện vật Đông Sơn cách ngày nay hàng nghìn năm.
Trang phục Việt cổ trên trống đồng Đông Sơn |
Trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17- thế kỷ 19, phụ nữ Việt Nam đã biến tấu chiếc áo dài ngũ thân thành áo dài tứ thân thể hiện sự giàu sang cũng như địa vị của người phụ nữ trong xã hội.
Đến năm 1819, cách ăn mặc của người dân vẫn duy trì với quần lụa đen và áo may sát người dài đến mắt cá chân.
Đến đầu thế kỷ 20, phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều may theo thể 5 thân hay 5 tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Tay áo may nối phía dưới khuỷu tay vì các loại vải ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40cm. Cổ, tay và thân trên áo thường ôm sát người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo. Gấu áo may võng, vạt rất rộng, trung bình là 80cm. Cổ áo chỉ cao khoảng 2 – 3cm.
Giai đoạn 1910-1920, phụ nữ miền Bắc thích may thêm một cái khuyết phụ độ 3cm bên phải cổ áo, và cài khuy cổ lệch ra đấy. Cổ áo hở ra như thế cho quyến rũ hơn và thuận tiện diện chuỗi hột trang sức nhiều vòng.
Trong các thập niên 1930 và 1940, cách may áo dài vẫn không thay đổi nhiều, gấu áo dài thường được may trên mắt cá khoảng 20cm, thường được mặc với quần trắng hoặc đen.
Từ 1939-1943, những kiểu cách tân áo dài bắt đầu xuất hiện nhưng chưa rõ nét. Các nhà tạo mẫu chủ yếu chỉ bỏ phần nối giữa sống áo, tay áo vẫn may nối. Áo Le Mur khá nổi lúc bấy giờ vẫn giữ nguyên phần áo dài may không nối sống bên dưới nhưng cổ khoét hình trái tim đôi lúc còn thêm thắt một cái nơ phía trước cổ. Vai áo may bồng, tay nối ở vai, khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải nhưng kiểu áo này chỉ tồn tại đến hết năm 1943.
Đến khoảng 1950, sườn áo dài bắt đầu được may có eo. Các thợ may lúc này đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người: thân áo sau rộng hơn thân áo trước, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít eo còn vạt áo cắt hẹp hơn. Thân áo trong được cắt ngắn dần từ giai đoạn này. Cổ áo bắt đầu cao lên, trong khi gấu được hạ thấp xuống.
Thời kỳ áo dài thay đổi nhiều nhất là những năm 60, áo dài được may chít eo, eo áo cắt khá cao.
Đến cuối thập kỷ 60, áo dài mini trở thành thời thượng, vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối, áo may rộng hơn, không còn chít eo nữa nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân người.
Đến những năm 90, áo dài đã trở lại, cầu kỳ hơn, thanh nhã hơn và bắt đầu được bạn bè Quốc Tế nghĩ tới như là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam.