Bằng cách nắm cổ phần, Trung Quốc quyết thu nhỏ 'đế chế kinh doanh' của Jack Ma

Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách thu hẹp đế chế tài chính và công nghệ của Jack Ma bằng cách nắm cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp của ông.

Theo lộ trình tái cấu trúc mà các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đưa ra trong tuần này, tập đoàn công nghệ tài chính khổng lồ Ant Group sẽ trở lại vai trò ban đầu là nhà cung cấp thanh toán trực tuyến giống như PayPal Holdings, trong khi các doanh nghiệp đầu tư và cho vay có lợi hơn sẽ bị cắt giảm.

Các cơ quan quản lý, dẫn đầu là ngân hàng trung ương, cũng ra lệnh cho Ant thành lập một công ty tài chính riêng biệt và phải tuân theo các yêu cầu mà trước đây chỉ áp dụng cho các ngân hàng. Các quan chức và cố vấn cho biết, điều này có thể mở ra cánh cửa cho các ngân hàng nhà nước lớn hoặc các loại thực thể do chính phủ kiểm soát khác mua vào công ty để giúp củng cố nền tảng vốn.

  Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc, đã giúp định hình nền kinh tế mới của Trung Quốc với hai công ty do ông thành lập, là Ant và công ty liên kết thương mại điện tử Alibaba. Ảnh: Getty

Jack Ma , người giàu nhất Trung Quốc, đã giúp định hình nền kinh tế mới của Trung Quốc với hai công ty do ông thành lập, là Ant và công ty liên kết thương mại điện tử Alibaba . Ảnh: Getty

Theo đó, Quỹ hưu trí quốc gia của Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và China International Capital Corp, ngân hàng đầu tư quốc doanh hàng đầu của nước này, là những nhà đầu tư vào Ant.

"Đặt dây cương trên con ngựa"

Ông Ma, người giàu nhất Trung Quốc, đã giúp định hình nền kinh tế mới của Trung Quốc với hai công ty do ông sáng lập, là Ant và công ty liên kết thương mại điện tử Alibaba Group Holding. Các hoạt động kinh doanh của công ty bao gồm dịch vụ thanh toán, bán lẻ trực tuyến, điện toán đám mây, quản lý tài sản và cho vay. 

Ngoài ra, việc Alibaba đang phải đối mặt với một cuộc điều tra chống độc quyền  cũng có thể dẫn đến việc đại tu hoạt động kinh doanh và bán tài sản của mình.

Tuy nhiên, khi nhắm mục tiêu vào ông Ma, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng phải đối mặt với một hành động cân bằng khó khăn. Đó là việc cố gắng giữ cho mọi thứ ở trong tầm kiểm soát mà không làm tổn hại đến tinh thần đổi mới đã giúp thúc đẩy sự trỗi dậy về công nghệ và kinh tế của Trung Quốc.

“Không nghi ngờ gì, mục đích là để kiềm chế Jack Ma. Nó giống như đặt dây cương trên một con ngựa”, một cố vấn của ủy ban chống độc quyền của Quốc vụ viện Trung Quốc, nói.

Vai trò của các công ty của ông Ma đối với nền kinh tế Trung Quốc là không thể phủ nhận. Cả Ant và Alibaba đều thành công trong việc giúp hàng trăm triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc mua hàng, gửi tiền, thực hiện đầu tư hoặc vay tiền chỉ bằng một cái vuốt ngón tay.

Trước đây, nhờ được hưởng lợi từ ​​việc áp dụng các quy định tương đối nhẹ nhàng, các công ty của ông Ma đã thách thức sự thống trị của khu vực nhà nước trong các lĩnh vực như ngân hàng và quản lý tiền tệ.

  Các quan chức Trung Quốc lo ngại về cách Ant sử dụng dữ liệu được khai thác bởi ứng dụng thanh toán Alipay để khuyến khích các ngân hàng cho vay. Ảnh: Shutterstock

Các quan chức Trung Quốc lo ngại về cách Ant sử dụng dữ liệu được khai thác bởi ứng dụng thanh toán Alipay để khuyến khích các ngân hàng cho vay. Ảnh: Shutterstock

Nhưng thời đại của "giấy thông hành" đã qua. Trong những tháng gần đây, các nhà chức trách đã cam kết sẽ thắt chặt quy định đối với lĩnh vực internet đang ngày càng phát triển về quy mô và tác động.

Theo đó, một số công ty khác cũng đang bị giám sát, bao gồm nhà điều hành ứng dụng mạng xã hội WeChat nổi tiếng Tencent Holdings và công ty gọi xe Didi Chuxing Technology. Tuy nhiên, các nhà quản lý hiện đang tập trung sự chú ý vào ông Ma và các công ty của ông.

Ông Ma, được đánh giá là một người thẳng thắn, từ lâu đã xung đột với các nhà quản lý, đặc biệt là những người tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Vào cuối tháng 10, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi ông Ma công khai chỉ trích sáng kiến ​​kiểm soát rủi ro có chữ ký của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình , đồng thời chỉ trích các nhà quản lý đã kìm hãm sự đổi mới.

Trong bài phát biểu, ông Tập không mấy chú ý đến kế hoạch IPO của Ant, theo một người có hiểu biết về quy trình quản lý. Người này nói: “Chính những lời nói của ông Ma đã khiến việc IPO của Ant lọt vào tầm ngắm của ông Tập".

Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân hủy bỏ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng dự kiến tới hơn 300 tỷ USD của Ant. Đồng thời, ông ra lệnh cho các nhà quản lý xem xét những rủi ro mà đế chế của ông Ma gây ra.

Kể từ đó, các cơ quan quản lý thị trường và tài chính của Trung Quốc đã bắt đầu hành động. Các quan chức đặc biệt lo ngại về cách Ant sử dụng dữ liệu được khai thác bởi ứng dụng thanh toán Alipay của mình, để khuyến khích các ngân hàng làm việc với công ty trong việc cho vay tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ. Ant chỉ tài trợ một phần nhỏ các khoản vay, với phần lớn số tiền đến từ các ngân hàng, khiến họ phải chịu rủi ro tín dụng.

"Vừa đấm vừa xoa"

Tuy nhiên, ngay cả ông Tập, nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc, cũng phải đối mặt với những hạn chế trong việc chính phủ của ông có thể đi đến đâu trong việc kiểm soát đế chế của ông Ma.

Ông Tập đang lo lắng về việc mọi người đang nhìn nhận rằng, chính quyền Trung Quốc đang giáng một đòn mạnh vào tinh thần kinh doanh, tại thời điểm mà khu vực tư nhân đang mất dần vị thế trước các doanh nghiệp nhà nước. 

Ngoài ra, nhà lãnh đạo cũng e ngại phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư quốc tế. Vào thời điểm này, Bắc Kinh đang bị nghi ngờ là cố gắng cải cách thị trường và nuôi dưỡng nhiều công ty cây nhà lá vườn hơn như Alibaba, để cạnh tranh với các đối tác Mỹ.

Các quan chức cho biết, để xoa dịu lo ngại về việc nhà nước xử lý quá mức, các nhà chức trách đã chọn một phó thống đốc ngân hàng trung ương có danh tiếng để trình bày chi tiết các hành động chống lại Ant, trong một tuyên bố hỏi đáp công khai.

Và người này là Pan Gongsheng, từng giám sát việc bán cổ phần cho hai ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc. Sau khi chuyển sang Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông đã thúc giục Ant đại tu hoạt động kinh doanh của mình dựa trên các nguyên tắc thị trường và luật pháp.

Tuy nhiên, ông Pan cũng nhấn mạnh sự cần thiết của Ant để “tích hợp sự phát triển của công ty vào sự phát triển chung của quốc gia”.

Ant cho biết trong một tuyên bố hôm 28/12 rằng, họ sẽ tuân thủ các yêu cầu và phát triển một kế hoạch có thời gian biểu cho đợt đại tu. 

Các nhà quản lý cho rằng, Ant phải đại tu hoạt động kinh doanh của mình để “tích hợp sự phát triển của công ty vào sự phát triển chung của quốc gia”. Ảnh: Internet
Các nhà quản lý cho rằng, Ant phải đại tu hoạt động kinh doanh của mình để “tích hợp sự phát triển của công ty vào sự phát triển chung của quốc gia”. Ảnh: Internet

Trước đó, trong một cuộc họp vào tháng 11 với các nhà quản lý, ông Ma đề nghị chính phủ "tiếp nhận bất kỳ nền tảng nào mà Ant có, miễn là đất nước cần nó", trong một nỗ lực rõ ràng để cứu vãn mối quan hệ của ông với Bắc Kinh. Sau đó, ông Ma đã không xuất hiện trước công chúng kể từ bài phát biểu hồi tháng 10.

Vào tuần trước, cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba, công ty sở hữu một phần ba Ant. Các nhà quản lý cho rằng, Alibaba đã sử dụng vị trí thống lĩnh thị trường của mình để gây áp lực buộc các thương gia chỉ bán trên nền tảng của họ.

Các quan chức cũng lo ngại về mối đe dọa của Alibaba đối với các nhà bán lẻ truyền thống. “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời phàn nàn về việc Alibaba ép các đối thủ nhỏ hơn và các nền tảng internet của họ lấy đi hoạt động kinh doanh của những người khác”, một quan chức quản lý cho biết.

Wang Fuqiang, chủ một cửa hàng máy tính xách tay ở Bắc Kinh, nằm trong số những người cảm thấy khó khăn. Cửa hàng của ông Wang đã chứng kiến ​​doanh số bán hàng giảm dần khi có nhiều người mua sắm trên Taobao, một trang web mua sắm trực tuyến thuộc sở hữu của Alibaba và JD.com.

Ông Wang cho biết: “Bây giờ, hầu hết người mua đến cửa hàng của tôi để thử máy tính xách tay và chụp ảnh. Sau đó, họ sẽ rời đi và mua trực tuyến".

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương