Bất ổn bao trùm toàn thị trường

Kinh tế thế giới đang đối diện nhiều nghịch cảnh, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, đây chính là thời cơ cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Trong nửa đầu năm, hầu hết các nước phát triển phải thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa kết thúc, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nguy cơ suy thoái vẫn đang hiện hữu. Tất cả điều này đang tạo nên một giai đoạn bất ổn cho nhiều thị trường đầu tư trên toàn cầu khi các chỉ số biến động rất mạnh trong thời gian ngắn giữa tâm lý "hưng phấn" và "bi quan".

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, ngoài các áp lực lạm phát, kinh tế Việt Nam cũng chịu các áp lực khác trong đó có áp lực về suy giảm kênh đầu tư như kênh đầu tư tư nhân chủ yếu trong các năm qua, ví dụ là trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán,… Đây là những kênh đầu tư chịu áp lực rất lớn từ lạm phát và các bất ổn về chính trị, kinh tế toàn cầu. Đồng thời, cũng phản ánh dấu hiệu quá "nóng" của những kênh đầu tư này, đặc biệt là chứng khoán, bất động sản.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, thị trường tài sản là một thị trường đầu tư có doanh lợi trên vốn rất cao, tuy nhiên, rủi ro cũng rất lớn. Ngoài ra, đây cũng là thị trường rất dễ bị thao túng nếu không được kiểm soát tốt sẽ tạo ra những làn sóng đầu tư bầy đàn có thể làm sụp đổ thị trường một cách nhanh chóng. Vì vậy, đối với từng cá nhân nguồn tài chính có hạn thì việc đầu tiên phải xác định đầu tư tài sản chứ không phải đầu cơ tài sản.

Đánh giá về các kênh đầu tư mới xuất hiện, ông Thái Việt Dũng, Giám đốc Exness tại Việt Nam cho biết, theo dòng lịch sử, tất cả các thành tựu lớn nhất của loài người đều có sự liên hệ đến nghiên cứu khoa học nói chung và sự phát triển về mặt công nghệ của thị trường tài chính nói riêng. Nói cách khác các mô hình tài chính mới luôn được sinh ra để phá vỡ các quy tắc cũ và không còn phù hợp với công nghệ hiện tại. Định luật Moore là một minh chứng rõ nét cho xu hướng này khi cho rằng cứ sau 24 tháng sức mạnh của bộ xử lý sẽ tăng gấp đôi.

Điều này thúc đẩy nhanh chóng các xu hướng phi tập trung hóa không thể đảo ngược trong ngành tài chính để tạo ra những cấu trúc và mô hình mới thật vững chắc và giàu năng lượng hơn những mô hình đã thành công trước đó. Cuộc chiến về các mô hình tài chính trong hiện tại và tương lai không phải đến từ các kinh nghiệm quản trị tài chính đã có từ trước mà đang và sẽ tiếp tục là cuộc đấu trí của các thuật toán tiên tiến nhất nhằm tìm ra các sản phẩm và mô hình kinh doanh tối ưu theo cách mà chỉ có những đầu óc luôn rộng mở mới có thể hình dung ra được.

"Rõ ràng quan trọng nhất trong cuộc chiến giữa công ty tài chính đó là vấn đề liên quan đến đầu tư công nghệ và sử dụng thuật toán tự động thế nào để cạnh tranh với đối thủ của mình. Cuộc chiến bây giờ không phải là cuộc chiến của tài chính tập trung nữa mà sẽ nghiêng về mô hình phi tập trung", ông Dũng nói.

Tổng Hợp