Bé 9 tháng tuổi tử vong do được 'thầy lang' đắp lá chữa vết bỏng

Bé 9 tháng tuổi ở Bắc Giang bị bỏng nước sôi đã tử vong do nhiễm trùng sau khi được "thầy lang" đắp lá.

Theo đó, bé bị bỏng nước sôi ở đùi và cẳng chân. Sau 4 ngày được đắp thuốc của "thầy lang" gần nhà để chữa bỏng, bé bị sốt cao, nổi ban. Lúc này, gia đình mới đưa con tới bệnh viện huyện thăm khám.

Khi được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn nặng, rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ xử trí sốc nhiễm khuẩn và chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

Theo các bác sĩ, tình trạng của trẻ diễn biến xấu rất nhanh. Trẻ li bì, hôn mê, nhiều nốt ban xuất huyết rải rác khắp toàn thân, tình trạng phù tăng lên, ăn kém.

huong-dan-rua-thay-bang-vet-thuong-cho-tre-bi-bong-bluecare.jpg
Tai nạn bỏng ở trẻ em thường xảy ra, ba mẹ nên cảnh giác. 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết khi vào viện, trẻ đã tím tái, ngừng tim. Các bác sĩ cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng trẻ không đáp ứng và đã tử vong.

Bác sĩ Duy cho biết bệnh viện đã cảnh báo nhiều lần về tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng do đắp lá thuốc điều trị. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin tưởng vào tác dụng kỳ diệu của phương pháp này.

Thực tế, ở nhiều bệnh nhân sau khi đắp lá, vùng bỏng hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, để lại di chứng nghiêm trọng.

Theo các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên tự ý điều trị cho con bằng các loại thuốc lá, cây không rõ nguồn gốc.

Nếu chẳng may bị bỏng, trước tiên bệnh nhân cần được tránh xa tác nhân gây bỏng, nhanh chóng đưa vùng da bị bỏng ngâm vào nước nguội sạch để vệ sinh vết thương tránh nhiễm khuẩn, sau đó xả nhẹ nước mát trong vòng ít nhất 15 phút.

Việc này giúp vết thương được dịu đi, tránh đau rát, sưng tấy, vết bỏng cũng sẽ không bị ăn sâu tiếp nữa. Chỉ nên dùng nước mát chứ không nên chườm bằng đá hoặc nước đá, do tiếp xúc trực tiếp bằng đá lạnh có thể khiến vết thương trở nên tệ hơn.

Trường hợp vết bỏng có diện tích lớn, bỏng nặng hơn, nên sơ cứu cơ bản ban đầu rồi nhanh chóng chuyển người bị bỏng tới cơ sở, trung tâm y tế nơi gần nhất kịp thời điều trị.

Tuyệt đối không bôi ngay kem đánh răng, hay kem trị bỏng, mỡ trăn... vì sẽ chỉ khiến vết thương ngay lúc đó trở nên tệ hơn, có khả năng viêm nhiễm nhiều hơn.

HẢI MY

Đọc nhiều nhất