Bệnh tay chân miệng tăng đột biến trong 3 tháng đầu năm

Theo khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số lượng bệnh tay chân miệng tại thành phố đang gia tăng rất nhanh và có nguy cơ bùng dịch.

Theo đó, từ đầu năm đến cuối tháng 3, toàn thành phố hơn 2.600 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca). Riêng tuần 11 (từ ngày 8 đến 14-3) có 346 ca, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước (152 ca).

Số ca bệnh tăng ở mức báo động tại 21/24 quận, huyện; đặc biệt là quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Thành phố Thủ Đức.

kham-tay-chan-mieng-o-dau-1-.jpg
Bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh. 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Khoa nhiễm thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện số lượng bệnh nhi nhập viện do tay chân miệng đang tăng gấp đôi. Thời gian dịch tay chân miệng sẽ déo dài đến tháng 6 nên gia đình và trường học cần phải phòng ngừa dịch bệnh tránh "dịch chồng dịch" trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Cũng theo bác sĩ Khanh, các dấu hiệu ban đầu của tay chân miệng sẽ nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét, còn bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần. Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. Sau đó thì bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và tự khỏi.

Tình huống tự khỏi của trẻ mắc bệnh tay chân miệng chiếm khoảng trên 90% trường hợp. Còn lại một số nhỏ có thể có một số biến chứng như ảnh hưởng tới não bộ, thân não, gây ra suy hô hấp, có thể gây viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp…

Cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện khi phát hiện các dấu hiệu của biến chứng vì thời gian giữ lại mạng sống cho trẻ khi có biến chứng lên não chỉ khoảng 6-12 tiếng.

2103261731.png
Dịch bệnh tay chân miệng sẽ kéo dài đến tháng 6. 

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị biến chứng do tay chân miệng, theo bác sĩ Khanh, thông thường các biến chứng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - thứ 5, thời điểm này trẻ mắc bệnh thường thay đổi giấc ngủ, hay giật mình...

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Cho đến nay, bệnh vẫn chưa có vaccine. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc giữ gìn vệ sinh của trẻ và người chăm sóc trẻ như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

HẢI MY