“Bệnh X” và ác mộng đại dịch chết chóc sau Covid-19

Sau Covid-19, các nhà nghiên cứu tin rằng những mầm bệnh chết người do động vật gây ra, bao gồm cúm gia cầm, thủy đậu và virus Hanta, có thể tiến hóa để lây nhiễm sang người.

'Bệnh X' - nghe có vẻ như thứ gì đó mà Elon Musk có thể đã nghĩ ra. Trên thực tế, thuật ngữ này đã được đặt ra từ nhiều năm trước như một cách để kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu các biện pháp đối phó y tế đối với các mối đe dọa truyền nhiễm chưa biết, chẳng hạn như các loại virus Corona mới như loại gây ra Covid-19 thay vì chỉ những loại đã biết, như virus Ebola. 

Ý tưởng là để khuyến khích phát triển các công nghệ nền tảng, bao gồm vaccine, liệu pháp dùng thuốc và xét nghiệm chẩn đoán, có thể được điều chỉnh và triển khai nhanh chóng để ứng phó với một loạt các đợt bùng phát có khả năng gây dịch hoặc đại dịch trong tương lai.

'Bệnh X' là gì?

Trong danh sách mới mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật hồi tháng 11/2022, "bệnh X" là cụm từ các nhà khoa học dùng để chỉ một mầm bệnh chưa biết, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên thế giới.

Vấn đề này đã được đưa vào chương trình nghị sự của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, với sự tham gia của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng các quan chức y tế khác để thảo luận về vấn đề này.

Covid-19 là một ví dụ về Bệnh X khi nó bùng phát thành đại dịch vào cuối năm 2019. Nguồn virus khổng lồ lưu hành trong động vật hoang dã cũng được coi là nguồn có khả năng gây ra nhiều bệnh như vậy hơn. 

Đó là vì chúng có khả năng lây lan và lây nhiễm sang các loài khác, bao gồm cả con người, gây ra một loại bệnh nhiễm trùng mà con người sẽ không có khả năng miễn dịch.

“Bệnh X” và ác mộng đại dịch chết chóc sau Covid-19- Ảnh 1.

Nhân tế bào bị nhiễm SARS-CoV-2.

Giáo sư, Tiến sỹ Lam Sai Kit tại Kuala Lumpur cho rằng nhiều khả năng "bệnh X" xảy ra do nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã. Trong số các động vật hoang dã, dơi là loài mang rất nhiều virus. Các loài chim di cư và tê tê thường mang virus cúm gia cầm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vinod Balasubramaniam thuộc chi nhánh ở Malaysia của Đại học Monash (Australia), biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai. Theo nhà nghiên cứu Vinod Balasubramaniam, điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

Cả hai chuyên gia đều dự đoán rằng "bệnh X" sẽ là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác, song người bệnh không có triệu chứng.

Nghiên cứu 'bệnh X' để làm gì?

Theo WHO, nghiên cứu sớm về căn bệnh này là để cho phép sớm có sự chuẩn bị cho R&D xuyên suốt và phù hợp đối với một căn bệnh chưa biết. 

Cuộc khủng hoảng nhân đạo gây ra bởi đại dịch Ebola 2014-2016 ở Tây Phi là một hồi chuông cảnh tỉnh. Bất chấp nhiều thập kỷ nghiên cứu, không có sản phẩm nào sẵn sàng triển khai kịp thời để cứu sống hơn 11.000 người. 

Để đáp lại, WHO đã tạo ra Kế hoạch chi tiết R&D để đẩy nhanh việc phát triển một loạt công cụ dành cho "các bệnh ưu tiên". Danh sách hiện tại bao gồm:

- COVID-19

- Sốt xuất huyết Crimean-Congo

- Bệnh do virus Ebola và bệnh do virus Marburg

- Sốt lassa

- Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và SARS

- Bệnh Nipah và henipaviral

- Sốt thung lũng Rift

- Virus zika

- Bệnh X

“Bệnh X” và ác mộng đại dịch chết chóc sau Covid-19- Ảnh 2.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Ebola tại Gueckedou (Guinea) vào tháng 2/2021. Ảnh: AFP

Giám đốc sáng lập Trung tâm Đại dịch tại Đại học Brown (Mỹ), bà Jennifer Nuzzo cho biết mỗi loại virus này chỉ cần phát triển thêm vài đột biến là đã có thể hoành hành vượt mức hiện tại.

Đề cập đến việc triển khai các loại vaccine trong tương lai, bà Nuzzo cho rằng điều đáng lo ngại nhất không phải là phương pháp khoa học, mà là quá trình sản xuất. Ngoài ra, Giám đốc điều hành CEPI Hatchett nhấn mạnh bài học lớn nhất từ đại dịch Covid-19 là những vấn đề trong phân phối vaccine không đồng đều.

Nghiên cứu về đại dịch tiếp theo diễn ra như thế nào?

Chỉ mất 326 ngày kể từ khi công bố trình tự gen của virus SARS-CoV-2 cho đến khi vaccine Covid đầu tiên được cấp phép, một phần nhờ vào công việc đã được thực hiện từ năm 2017 để chuẩn bị cho 'Bệnh X'. 

Giới chuyên gia cho rằng thế giới đã ý thức việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, song họ cảnh báo vẫn còn nhiều điều cần phải làm để tránh lặp lại những sai lầm trước đây.

Các tổ chức lớn trên thế giới đều đang chú trọng công tác chuẩn bị để sẵn sàng cho trường hợp y tế khẩn cấp tiếp theo.

Các nhóm như Liên minh Đổi mới Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) đang hỗ trợ các nền tảng vaccine phản ứng nhanh có thể phát triển các loại vaccine mới trong vòng 100 ngày kể từ khi một loại virus có khả năng gây đại dịch xuất hiện theo kế hoạch trị giá 3,5 tỷ USD. 

Những nỗ lực khác đang được tiến hành bao gồm:

- Cập nhật các Quy định Y tế Quốc tế và phát triển một thỏa thuận toàn cầu mới để bảo vệ thế giới khỏi các trường hợp khẩn cấp trong tương lai.

- Một quỹ mới được Ngân hàng Thế giới phê duyệt để phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

- Trung tâm Thông tin Đại dịch và Dịch bệnh của WHO ở Berlin nhằm mục đích tăng tốc độ truy cập vào dữ liệu quan trọng, đồng thời phát triển các công cụ phân tích và mô hình dự đoán để đánh giá các mối đe dọa tiềm ẩn.

- Dự án Virome toàn cầu nhằm mục đích phát hiện các mối đe dọa từ virus lây truyền từ động vật sang người và ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

- Một sáng kiến trị giá 5 tỷ USD của chính phủ Mỹ nhằm phát triển vaccine và phương pháp điều trị thế hệ tiếp theo cho Covid-19, được gọi là Dự án NextGen. 

- 262,5 triệu USD tài trợ cho mạng lưới quốc gia Mỹ nhằm phát hiện và ứng phó hiệu quả hơn với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

- Thành lập trung tâm toàn cầu về điều trị đại dịch.

Tuy nhiên, có nhiều thách thức đe dọa làm suy yếu những nỗ lực này, bao gồm hệ thống y tế suy yếu và cạn kiệt, phong trào phản khoa học ngày càng gia tăng làm gia tăng sự do dự về vaccine và khả năng các chính phủ cuối cùng sẽ cắt giảm ưu tiên tài trợ cho việc phát hiện và chuẩn bị bùng phát khi các rủi ro được nhận thấy đã tiêu tan.

(Nguồn: Bloomberg)

TÚC