Chiều 13/12, sau 4 ngày xét xử và nghị án, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 2 đồng phạm là Võ Tiến Hùng (cựu TGĐ Công ty Thoát nước Hà Nội), Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Arktic).
Sau khi đánh giá toàn diện vụ án, tòa tuyên bị cáo Nguyễn Đức Chung mức án 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cộng bản án trước đó, ông Chung lĩnh tổng hình phạt chung là 13 năm tù. Cùng tội danh này, bị cáo Nguyễn Trường Giang lĩnh 4 năm 6 tháng tù. Võ Tiến Hùng nhận mức án 4 năm tù.
Về dân sự, tòa buộc ông Chung khắc phục hậu quả với số tiền 25 tỷ đồng. HĐXX ghi nhận ông Chung đã nộp 10 tỷ.
Bị cáo Giang phải bồi thường 7,1 tỷ đồng, xác nhận đã nộp một tỷ đồng. Võ Tiến Hùng bị buộc phải nộp khắc phục 4 tỷ đồng.
Đối với việc VKS đề nghị cấm các bị cáo đảm nhận chức vụ từ 3 đến 4 năm sau khi chấp hành xong hình phạt, HĐXX nhận định hình phạt bổ sung này là không cần thiết nên không áp dụng đối với các bị cáo.
HĐXX cho rằng, tháng 5/2016, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã lựa chọn sử dụng công nghệ Redoxy-3C của Công ty Watch Water để thay thế công nghệ cũ để xử lý ô nhiễm nước ao hồ trên địa bàn. Sau khi có kết quả thử nghiệm ban đầu, ông Chung tiếp tục chỉ đạo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm từ Công ty Watch Water thông qua Công ty Arktic gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Đối với Arktic, HĐXX xác định doanh nghiệp này ban đầu do con trai ông Chung lập ra, nhưng sau đó chuyển nhượng. Tuy nhiên trên thực tế, mọi giấy tờ chuyển nhượng công ty do bà Nguyễn Thị Trúc Tri Hoa (vợ ông Chung) lo liệu, nhờ người đứng tên hộ. Từ đó, tòa khẳng định Arktic là doanh nghiệp của gia đình bị cáo Chung.
HĐXX cũng nhắc lại bị cáo Giang còn khai việc thay đổi vốn góp, thành viên đều do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, vợ bị cáo Chung làm hồ sơ và bị cáo chỉ ký giấy tờ còn thực tế không góp, nhận hay trả ai 1 đồng vốn góp... Xuyên suốt trong quá trình đưa chế phẩm Redoxy-3C về Việt Nam, bị cáo Chung đều chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, cá nhân cấp dưới đưa bị cáo Giang vào tham gia như thành viên tất yếu.
Với bị cáo Nguyễn Trường Giang, ông Chung đã tạo mọi điều kiện, để Giang tham gia đoàn công tác của UBND Hà Nội đi sang Đức tham quan, dự triển lãm xử lý ô nhiễm môi trường. Mục đích để Giang tiếp cận, tham gia vào quá trình mua bán hóa chất Redoxy 3C về bán cho Công ty Thoát nước.
Hành vi của 3 bị cáo đã đồng phạm về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Như vậy, VKS sát truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội”, chủ tọa Trần Nam Hà công bố.
Về xác định thiệt hại, HĐXX cho biết giai đoạn 2016-2019, Công ty Arktic có 13 phiếu đặt hàng, mở 28 tờ khai nhập khẩu chế phẩm. Tổng chi phí nhập khẩu Redoxy 3C về Việt Nam là 115 tỷ đồng.
Chủ tọa kết luận, được sự hậu thuẫn, 'bật đèn xanh' của bị cáo Chung, Công ty Arktic đã độc quyền nhập chế phẩm. Dưới sự chỉ đạo không bằng văn bản của ông Chung, bị cáo Hùng đã ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng mua hóa chất với công ty của gia đình bị cáo Chung. Sau khi tổng hợp các khoản lợi nhuận và kết quả kiểm tra đối với Công ty Arktic, tòa xác định hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 36 tỷ đồng.
VKS đánh giá đây là vụ án đồng phạm và cho rằng 3 bị cáo cùng thực hiện một chuỗi sai phạm liên tiếp. Ông Chung là Trưởng ban chỉ đạo công tác xử lý nước ở thời điểm xảy ra vụ án. Bị cáo này giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo để Giang đưa chế phẩm về bán cho Công ty Thoát nước.
Đối với pháp nhân Arktic, VKS lập luận công ty này ban đầu do con trai ông Chung góp 60% vốn điều lệ. Sau đó, bà Hoa làm giả hồ sơ để chuyển nhượng vốn góp, cho Nguyễn Trường Giang làm giám đốc nhưng thực tế, vợ ông Chung là người lập công ty.
Ngoài ra, với mục đích vụ lợi, cơ quan công tố cho rằng ông Chung đã chỉ đạo để Giang đi cùng với đoàn cán bộ UBND Hà Nội. Sau đó, Công ty Arktic đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh hóa chất để nhập Redoxy 3C về bán cho Công ty Thoát nước.
HĐXX cho hay, các bị cáo Nguyễn Trường Giang, Võ Tiến Hùng đã thành khẩn, ăn năn, tích cực hợp tác trong quá trình điều tra là các tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung được HĐXX đánh giá có nhiều thành tích, đóng góp cho sự phát triển của thành phố được phong anh hùng, có bệnh nặng... nên được xem xét là tình tiết giảm nhẹ.
Trong phần tranh luận, cơ quan tố tụng ghi nhận việc gia đình ông Nguyễn Đức Chung nộp 10 tỷ đồng với mục đích bảo lãnh trong trường hợp bị cáo phải bồi thường trách nhiệm dân sự thì sẽ khấu trừ. Xét đây là tình tiết mới, VKS đã thay đổi mức đề nghị án với ông Chung từ 8 năm đến 10 năm tù, thay vì mức 10-12 năm như trước đó.
VKS cũng đề nghị Nguyễn Trường Giang (cựu Giám đốc Công ty Arktic) và Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) mức 6-7 năm tù; ông Chung và Giang phải liên đới bồi thường hơn 36 tỷ.
Đối với việc bồi thường 36 tỷ đồng, HĐXX nêu rõ, buộc tất cả các bị cáo phải bồi thường khoản tiền này, trong đó, buộc bị cáo Nguyễn Đức Chung chịu trách nhiệm chính.
Các mức án cụ thể với các bị cáo như sau:
Bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị tuyên án: 8 năm tù. Tổng hợp hình phạt 5 năm tù trước đó, buộc bị cáo chấp hành hình phạt 13 năm tù.
Bị cáo Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng.
Bị cáo Võ Tiến Hùng, cựu Tổng Giám đốc Thoát nước Hà Nội 4 năm 6 tháng tù. Bị cáo phải bồi thường 4 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Arktic 4 năm tù. Bị cáo phải bồi thường hơn 7,1 tỷ đồng.
Giá cá thát lát giảm mạnh, người nuôi lỗ nặng
Thị trường thực phẩm hôm nay 13/12 ghi nhận giá cá thát lát rớt giá mạnh tại các chợ dân sinh.