Lúc 9h30 ngày 27/1 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin trên CoinDesk được giao dịch ở mức 35.947 USD, tăng 2,79% so với 24 giờ trước.
Trong 24 giờ qua, giá Bitcoin giao dịch thấp nhất tại 36.285 USD, cao nhất ghi nhận được là 38.920 USD.
Theo CoinMarketCap, lượng Bitcoin giao dịch trong khoảng thời gian này là 31,1 tỷ USD, vốn hóa thị trường ở mức 695 tỷ USD.
Trên sàn Vicuta, giá Bitcoin được điều chỉnh về mức 843 - 882 triệu đồng/BTC (giá mua - bán).
Thị trường tiền ảo sáng nay có sự phân hóa sâu sắc. Nhiều tiền ảo lao dốc, trong đó Binance Coin giảm 1,96%, Solana giảm 2,5%, Terra giảm 5,8%, Pokadot giảm 1,5%, Avalanche giảm 1,9%, Cosmos giảm 9,3%, Chailink giảm 1,37%...
Ở chiều ngược lại, Ethereum tăng 0,8%, Cardano tăng 3,7%, Ripple tăng 0,4%, Dogecoin tăng 0,4%, Polygon tăng 1,67%...
Theo giới phân tích, chính sách tiền tệ thắt chặt và các quy định nhằm kiểm soát tiền ảo của nhiều nước đang đè nặng lên các tài sản có rủi ro, gồm cả tiền ảo. Ông Hussein Sayed, Giám đốc chiến lược thị trường của Exinity, cho rằng việc chạm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua cho thấy tiền ảo này không phải là một hàng rào tuyệt vời chống lại lạm phát.
Đáng chú ý, theo ông Dylan LeClair, nhà phân tích cấp cao của quỹ UTXO Management, thị trường tiền số có thể tiếp tục suy giảm và rơi vào "mùa đông băng giá". Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thị trường tiền ảo vẫn đối mặt nhiều rủi ro khi FED xem xét phát hành USD kỹ thuật số, theo VTC News.
Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ và các chính phủ nước ngoài đang dõi theo hoạt động sử dụng năng lượng cho khai thác tiền mã hóa.
Theo tính toán, Bitcoin hiện mất 40% so với mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 10/11/2021.
Cơ quan quản lý tài chính của Indonesia cảnh báo rằng giá trị các loại tài sản tiền kỹ thuật số thường biến động và những người mua tài sản này cần nắm vững các rủi ro.
Ngày 25/1, OJK - Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia đã nhắc nhở các công ty tài chính không được phép cung cấp và tạo điều kiện cho việc bán tiền kỹ thuật số trong bối cảnh các giao dịch tài sản này đang bùng nổ ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Trong một tuyên bố đăng trên trang Instagram chính thức của mình, OJK cho biết cơ quan này đã nghiêm cấm các tổ chức dịch vụ tài chính sử dụng, tiếp thị hoặc tạo điều kiện cho các giao dịch tài sản tiền điện tử, theo VOH.
Indonesia cho phép bán các loại tài sản tiền điện tử trên các sàn giao dịch dưới sự giám sát của Bộ Thương mại và Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai (Bappebti).
Tuy nhiên, tiền điện tử chưa được sử dụng như một phương tiện thanh toán hợp pháp tại quốc gia Đông Nam Á này.
(Tổng hợp)