Bộ GD&ĐT bác đề xuất nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ

Đại diện Bộ GD&ĐT bác bỏ đề xuất công nhận nghệ sĩ nhân dân tương đương trình độ tiến sĩ của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Liên quan đến đề xuất nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ, trao đổi với VTC News chiều 7/3, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, tiêu chí đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ so với tiêu chí đánh giá nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân khác nhau hoàn toàn, không thể quy đổi được.

Theo đại diện  Bộ GD&ĐT, nghệ sĩ nhân dân là danh hiệu được trao tặng cho những diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ... có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển nghệ thuật và xã hội, còn tiến sĩ là bằng cấp được các trường đại học cấp sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học, nghiên cứu trong thời gian dài mới đạt được. Hiện trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đều chưa có quy định về quy đổi tương đương giữa trình độ tiến sĩ và nghệ sĩ nhân dân. Do vậy, đề xuất đó không thể xảy ra.

Bộ GD&ĐT bác đề xuất nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ

"Nếu nghệ sĩ nhân dân được công nhận tương đương trình độ tiến sĩ thì tiến sĩ cũng sẽ được công nhận tương đương nghệ sĩ nhân dân. Chắc chắn là không thể được", ông Nghệ nói.

Đối với việc quy đổi trình độ giảng viên trong xác định chỉ tiêu, Thông tư 03 ban hành năm 2022 của Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ. Giảng viên, trợ giảng là NSƯT, NSND, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân được Nhà nước công nhận, trao tặng, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ ĐH cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ thạc sĩ. Nếu có bằng thạc sĩ sẽ được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Trước đó, ngày 6/3, trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại diện trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã đề xuất xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo.

Nhà trường cho rằng, theo quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ yêu cầu tiêu chuẩn của người hướng dẫn là tác giả chính bài báo khoa học đăng trên tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá tới 0,75 điểm trở lên là yêu cầu quá cao. Nhà trường đề xuất chỉ quy định khung điểm là 0,5, đồng thời đề nghị tăng số lượng giảng viên thỉnh giảng cho cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật.

Đề xuất này không mới, từng được đưa ra từ hơn một năm nay, khi nhà trường và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo nghị định quy định về công tác đào tạo chuyên sâu đặc thù. Từ đó áp dụng cho những khối văn hóa nghệ thuật nói chung, trong đó có trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Đề nghị tính tương đương là để các nghệ sĩ nhân dân được tham gia vào quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú không tham gia vào các hội đồng chấm luận văn, luận án này để đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Tuy nhiên, đề xuất này đã ngay lập tức gây nên nhiều tranh cãi trái chiều trên các diễn đàn mạng xã hội.

Thanh Mai

Các đại gia điện thoại thông minh Trung Quốc 'quyết chiến' với Apple và Samsung

Các đại gia điện thoại thông minh Trung Quốc 'quyết chiến' với Apple và Samsung

Các nhà sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh thị trường điện thoại cao cấp để thách thức sự thống trị của Apple và Samsung sau khi các thương hiệu của nước này trải qua một trong những năm tồi tệ nhất được ghi nhận.