Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm

Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và môi trường rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, sau vụ việc đấu giá với giá cao ngất ngưỡng và doanh nghiệp bỏ cọc đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM vừa qua.

Theo Bộ Tư pháp, pháp luật có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết những vấn đề phát sinh qua vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm liên quan trực tiếp tới giá khởi điểm, các điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá được quy định bởi pháp luật về đất đai. 

Cụ thể, khoản 1, khoản 2 điều 8 Luật đấu giá tài sản quy định giá khởi điểm và việc xác định giá khởi điểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với tài sản đó trước khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

Đối với quyền sử dụng đất, Luật đất đai, nghị định số 43/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đất đai, nghị định 45/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất và các nghị định sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, việc xác định giá khởi điểm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu giá tài sản.

Về điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, theo Bộ Tư pháp, hiện nay Luật đấu giá tài sản chỉ quy định mang tính nguyên tắc về những loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá. Với tài sản cụ thể phải bán thông qua đấu giá, điều kiện đối với tài sản bán đấu giá, điều kiện đối với người được mua tài sản (người sở hữu, khai thác, sử dụng tài sản đấu giá) mang tính đặc thù đối với tài sản đó, do pháp luật trong từng lĩnh vực quy định.

Về tiền đặt cọc tham gia đấu giá và chế tài xử lý vi phạm, Luật đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5-20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định. Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Qua rà soát, Bộ Tư pháp thấy rằng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay còn tồn tại một số vướng mắc. Điều này dẫn đến cách áp dụng khác nhau, gây khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình thực hiện cũng như tiềm ẩn khiếu nại, tố cáo.

Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và môi trường rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai, về giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Rà soát điều kiện, yêu cầu về năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, thời điểm nộp tiền trúng đấu giá và chế tài đối với doanh nghiệp trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá...

Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nghị định 62/2017 quy định biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức bán đấu giá tài sản để đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục đấu giá.

Trước đó, ngay sau vụ đấu giá đất với mức giá cao lịch sử lên đến hơn 2,4 tỷ đồng/m2 đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng gửi một loạt kiến nghị đến Thủ tướng, liên quan đến nhiều bất cập trong công tác tổ chức đấu giá đất hiện nay.

Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm cuối năm 2021 thu hút sự chú ý của dư luận, giới đầu tư bởi mức giá đấu thành công 4 lô đất cao nhất lên đến 2,45 tỷ đồng/m2, do Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất hơn 10.000 m2 với tổng giá trị 24.500 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi hoàn tất thủ tục mua bán tài sản đấu giá, doanh nghiệp này đã "quay xe", xin bỏ cọc hủy kết quả đấu giá.

Sau Tân Hoàng Minh, một doanh nghiệp khác là Bình Minh cũng xin rút lui, bỏ cọc, không thực hiện bước tiếp theo nộp tiền sử dụng đất.

Thanh Mai

Thế giới không hàng hóa Nga: Thị trường náo loạn

Thế giới không hàng hóa Nga: Thị trường náo loạn

Chuỗi liên kết giữa Nga với nền kinh tế toàn cầu rất phức tạp. Nga xếp thứ nhất, hai và ba trong các nước xuất khẩu khí đốt, dầu mỏ, than đá.