Bóng cười, làm sao cười nổi

Hãy hình dung một buổi tối tại một quán cafe trên phố N.H.H – Hà Nội, một không gian sôi động với tiếng nhạc remix xập xình. Khách hàng chủ yếu là nam nữ thanh, thiếu niên còn rất trẻ. Và họ không chỉ uống cà phê, họ “ngậm” một loại bóng mang tên “bóng cười”, một thứ rất phổ biến ở quán. Quanh tôi là những ánh mắt mơ màng, thiếp đi như đang ngủ, hoặc những tiếng cười khanh khách ám ảnh. Tôi gọi đồ uống, bạn nhân viên lập tức chào mời “bóng cười”, giá chỉ 19k một quả bóng nhỏ và 59k một quả bóng to, “để trải nghiệm”, như lời anh ta nói. ở Hà Nội, những quán café kiểu này không hiếm.

Thử trải nghiệm

Không phải lần ấy mà ở một quán bar. Một quán bar khá sang ven nội vô tình bước vào. Cũng vẫn những luồng đèn xanh đỏ nhấp nháy, kèm theo tiếng nhạc chói tai. Trong một góc, các vị khách trẻ có, trung niên có, đang sử dụng “bóng cười”.

Sau khi gọi một combo rượu, chúng tôi được tặng hai quả “bóng cười” loại nhỏ. Đánh bạo “hút” thử, một luồng khí lạnh chạy thẳng vào miệng tôi. Khoảng ba giây sau, chân tay tôi như không còn sức, đầu lả dần ra ghế, tai ù đi, tiếng nhạc như nhỏ lại. Chỉ vài giây sau tôi tỉnh lại, cảm giác mệt mỏi tan hết, cơ thể nhẹ nhàng hơn.

Chủ yếu nam nữ thanh, thiếu niên
Chủ yếu nam nữ thanh, thiếu niên "ngậm" một loại bóng mang tên "bóng cười"

 À! “bóng cười” cũng đâu có gì ghê gớm lắm? Bạn nhân viên ghé tai tôi và nói: “Anh phải thổi vào bóng rồi hút lại đến khi nào không thể nữa thì mới “phê”. Hoá ra tôi đã “hút” sai cách.

Lần thứ hai, tôi làm đúng theo chỉ dẫn. Cảm giác đầu tiên là cơ thể tôi không còn nghe theo mình nữa, mềm nhũn như bún đến nỗi tôi thả mất quả bóng trong tay lúc nào không biết, tôi nằm ngửa ra ghế, mắt nhắm nghiền, não tôi như thể bị hút vào một vùng rất sâu, môi tê dại, mùi cao su nồng nặc đầy miệng và mũi. Tiếng nhạc lần này nhỏ lại nhiều lắm, đến nỗi tôi có thể nghe thấy tiếng bạn mình đang nói chuyện, ánh đèn chớp và laze quay vòng vòng.

Cảm giác này không giống say rượu, không giống say xe, mà nó như thể trạng thái hôn mê vậy, có chăng là ý thức vẫn biết nhưng cơ không còn nghe theo nữa. Tỉnh lại, tôi không còn khoan khoái như lần đầu nữa, mà thay vào đó là cơ thể mệt mỏi, mất sức, khó thở, ngột ngạt. Giờ thì tôi thấy nó cũng ghê thật! Vậy mà xung quanh tôi đang có quá nhiều người sử dụng nó, mười bàn thì có đến bảy, nhưng không phải là loại nhỏ như của tôi mà là loại to.

Người làm tôi chú ý nhất là một gã trung niên gầy, tóc cua, ngồi một mình, bên cạnh là hai nhân viên quán, hai tay cầm hai quả bóng to, chỉ đợi “khách quý” hút hết là tiếp thêm. Theo lời nhân viên ở đây thì hắn ta được mệnh danh là “thánh bóng”, bởi lẽ mỗi lần đến chơi đều hút ít nhất là vài chục quả và kỷ lục là một tối hút đến bảy chục quả bóng. Một tối ở đây tiêu thụ trung bình một ngày khoảng hơn một bình khí 20 kg. Bóng nhỏ ở đây có giá 50k và bóng to là 200k.

Thu bộn tiền từ kinh doanh “bóng cười”

Chỉ cần đăng nhập từ khoá “bóng cười” lên Google là có hàng tá lời mời chào bán buôn, bán lẻ với giá rất phải chăng. Lần theo một địa chỉ “uy tín” mà theo như lời quảng cáo là tổng buôn “bóng cười”, tôi có một bảng giá: bình khí 20kg có giá thành 3 triệu, bơm được khoảng 200 quả bóng to hoặc khoảng 800 quả bóng nhỏ.

Làm một phép tính đơn giản, một bình khí 20kg giá 3 triệu bơm được khoảng 200 quả to (giá ở bar 200k/ quả to; tiêu thụ hơn 200 quả/ ngày). Như vậy, số tiền thu về gấp khoảng 10 đến 13 lần giá gốc sau khi bán hết một bình (hàng chục triệu một ngày và hàng trăm triệu đồng mỗi tháng). Còn với các quán cafe thì doanh thu “khiêm tốn” hơn một chút: Nếu mỗi ngày bán hết một bình 20kg (tương đương 200 quả bóng to; với mức giá 59k/quả) thì quán sẽ thu về xấp xỉ mười triệu đồng.

Một sự thật mà ta phải thừa nhận rằng việc kinh doanh” bóng cười” ở các bar sàn hay quán cafe là một nguồn doanh thu không hề nhỏ. Mặt khác, dù biết hay không biết về tác hại của nó, chắc cũng ít ai bỏ qua một miếng bánh hấp dẫn như vậy.

Tự hủy hoại

Một facebooker mang tên T.P.Ngô với hơn 58.000 lượt theo dõi đang sinh sống tại Cần Thơ chia sẻ: “Mọi người ai đang nghiện bóng cười thì bỏ ngay đi nhé! Ban đầu không nghĩ gì đâu nhưng ngập sâu vào có biến thực sự. Em thích hút bóng thế nào mọi người quen em ai cũng rõ, độ chơi của em thì không phải bàn về số lượng, mọi người cấm cản các kiểu em vẫn không bỏ nổi.

Bóng cười được dùng như một trò tiêu khiển
Bóng cười được dùng như một trò tiêu khiển

Nhưng hôm nay thì em sợ, chân tay tê cứng, mười đầu ngón chân ngón tay tê buốt, tay không vác nổi vật nặng, tê, mất cảm giác, cài cúc áo còn không tự cài được vì tay bị tê. Ngủ cũng không ngủ được, mất ngủ trầm trọng, cơ thể suy nhược, quên quên nhớ nhớ, tính cách nóng nẩy. Mọi người ai đang nghiện thì nghỉ ngay đi, đây người thật việc thật không câu like.

Nếu em mà không bị chắc không bao giờ em bỏ đâu, chân tay em bây giờ đau nhức, đi không đi được nhanh, chân đi như robot ý. May mới là chân tay chứ mà su ba ngơ vào khoa thần kinh thì chết. Bây giờ em đang sợ vì tay tê buốt, không cầm được vật nặng mà mất cảm giác như kiểu tay bị ướp đá ý”.

Đỉnh điểm tác hại của trào lưu “bóng cười” này: Tối ngày 10/3/2019, một người đàn ông nước ngoài khoảng 30 - 35 tuổi đã tử vong tại quán cafe Smile (địa chỉ số 2 Lý Thái Tổ - quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) trong tư thế ngồi tựa vào ghế sofa với trạng thái bất tỉnh. Hàng loạt các báo điện tử, diễn đàn và facebook chia sẻ đồng loạt. Theo nhiều nguồn tin, người nước ngoài đã tử vong do hút “bóng cười”. Trước đó, anh ta đã liên tục sử dụng “bóng cười”, khoảng 30 phút sau nhân viên đến kiểm tra thì phát hiện đã tử vong. Quán hiện đã phải đóng cửa.

Một facebooker khác mang tên N.T.Linh với hơn 19.000 lượt theo dõi đang sinh sống tại Hưng Yên chia sẻ: “Một năm về trước khi đi làm và tiếp xúc với bóng cười khoảng một thời gian dài và xem nó là một trò vui tiêu khiển. Cơn phê ngắn, cảm xúc lạ, nên thấy thích thú.

Nhưng đến ngày, tay phải hơi tê (mình nghĩ do các cơ bị co, tập thể dục sẽ hết), nhưng đến khi tay trái cũng tê tương tự và khi hút bóng vào tất cả các cơ sẽ rút lại làm cho bàn tay căng cứng và không thể cầm nắm bất cứ cái gì. Lúc này mới nhận ra việc hai tay không hoạt động bình thường dẫn đến viêc sinh hoạt hằng ngày thật sự khó khăn. Lúc đó biết là do khí của bóng làm cho cơ thể như thế thì mình bỏ liền.

Đồng thời gian đó hai chân cũng tê nhưng mình nghĩ do mang giày cao gót thường xuyên. Cho đến khi cảm giác tê ở chân rõ rệt hơn hết thẩy, lúc đó thật sự sợ. Vì mình cảm nhận được “CƠ THỂ ĐANG THẬT SỰ LÊN TIẾNG”.

Đầu tiên là cảm giác tay: Cảm giác cơ tay co cứng, khi giãn tay ra thì thấy các cơ đàn hồi căng cứng như là cọng dây thun đàn hồi lại, các đầu ngón tay tê ê ê (nếu còn nhỏ các bạn có chơi trò bóp cổ tay lại, xong đập vào lòng bàn tay một cái rồi thả cái tay đang bóp kia ra sẽ cảm nhận năm đầu ngón tay ê ê. Nhưng lúc nhỏ cảm thấy là một cái gì đó rất thú vị).

Thứ hai là cảm giác chân: Hai chân tê buốt, cảm giác chi chít ở dưới lòng bàn chân, cơ từ lòng bàn chân đến khuỷu chân căng cứng (nên lúc nào cũng duỗi duỗi ra cho thoải mái), cảm giác ê ê (hãy tưởng tượng khi bạn giật điện, bạn sẽ bị ê như thế), khi bạn vỗ phần cổ, sẽ thấy phần cơ ở lòng bàn chân phản ứng.

Hậu quả: Đầu tiên sẽ dẫn đến việc ngủ say li bì quên ngày tháng (đừng quên khí này dùng trong y tế để gây mê), cảm giác uể oải và dẫn đến việc mất trí nhớ hay quên, tiếp thu chậm mọi thứ xung quanh. VÀ ĐIỀU KINH KHỦNG ĐÓ CHÍNH LÀ: MÌNH PHẢI BỊ TẤT CẢ CẢM GIÁC NÀY 24/24H.

Vậy đó, tự hủy hoại mình, bao nhiêu người trẻ, làm sao cười nổi với bóng cười?

Bóng cười, tên khoa học là Đinitơ monoxit hay nitrous oxide, là hợp chất với công thức N2O. Khí cười được quy định là một trong các loại hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh, được liệt vào mục số 120 thuộc phụ lục II, Nghị định 113/2017/NĐ-CP Danh mục hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Điều 43 Luật Hoá chất 2007 quy định: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoá chất phải khai báo hoá chất với Bộ Công thương; tổ chức, cá nhân sản xuất hoá chất phải khai báo hoá chất với cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động hoá chất của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh”.

 Pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm kinh doanh khí gây cười, nhưng các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, kinh doanh khí cười phải khai báo với các cơ quan có thẩm quyền quản lý hoạt động của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, khí N2O còn được sử dụng gây mê ở mức độ nhẹ trong y tế nhưng các bác sĩ cũng phải sử dụng hết sức hạn chế và khi sử dụng thường xuyên có thể ảnh hưởng đến bộ não.

 Du nhập vào Việt Nam từ năm 2010, nhưng từ một vài năm trở lại đây, “ bóng cười” có nguy cơ trở thành một cơn sốt thực sự cho giới trẻ, nhất là với lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bùi Trọng

Ban Tuyên giáo ra mắt mạng xã hội VCNET, cạnh tranh với Facebook

Ban Tuyên giáo ra mắt mạng xã hội VCNET, cạnh tranh với Facebook

Sáng 5/7, phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Thanh Long đã giới thiệu các tính năng, trực tiếp trải nghiệm Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo (VCNET).