'Bóng đen' tiếp tục 'phủ' lên thị trường bất động sản Trung Quốc

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc tiếp tục leo thang và điều này đã làm dấy lên lo ngại về những rủi ro ngày càng tăng cho hệ thống ngân hàng của nước này.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước và các nhà kinh tế học tại các ngân hàng quốc tế, những người mua nhà ở hàng chục thành phố của Trung Quốc đã từ chối thanh toán các khoản thế chấp đối với những ngôi nhà chưa hoàn thiện.

Ở Trung Quốc, các công ty bất động sản được phép bán nhà trước khi hoàn thành, và khách hàng phải bắt đầu trả các khoản thế chấp trước khi họ chính thức sở hữu căn hộ của mình. Các khoản thế chấp này được các công ty phát triển bất động sản sử dụng cho việc xây dựng.

Việc người mua nhà từ chối các khoản thế chấp này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều dự án bị trì hoãn hoặc chậm trễ do cuộc khủng hoảng tiền mặt gây ra, điều đã khiến nhà phát triển bất động sản khổng lồ của Trung Quốc là Evergrande bị cho là vỡ nợ vào năm ngoái.

Giá nhà cũng đang giảm, và điều này có nghĩa là người mua có thể phải trả tiền cho một tài sản có giá trị thấp hơn cái mà họ phải trả trước.

'Bóng đen' tiếp tục phủ lên thị trường bất động sản Trung Quốc - Ảnh 1.

Phát triển khu dân cư Fengming Haishang của Country Garden ở Thượng Hải. Nguồn: CNN Business

Các nhà phân tích lo ngại rằng, một cuộc "đình công thanh toán" giữa những người mua nhà với các công ty bất động sản có thể khiến nhiều công ty tiếp tục vỡ nợ, gây thêm căng thẳng cho các ngân hàng trong thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn để phục hồi sau sự suy thoái mạnh liên quan đến COVID-19.

Các nhà phân tích của Nomura cho biết trong một báo cáo vào hôm thứ Năm (14/7) rằng: "Bán trước là cách phổ biến nhất để bán nhà ở Trung Quốc, do đó, phần vốn đó rất cao".

Ít nhất bảy tổ chức cho vay lớn, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (IDCBF), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CICHF) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ACGBF), cho biết hôm thứ Năm rằng, rủi ro có thể kiểm soát được, đồng thời nói thêm rằng họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ.

Bloomberg đưa tin, các nhà chức trách Trung Quốc đang tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp với các ngân hàng.

Theo nhiều báo cáo từ truyền thông nhà nước và dữ liệu được tổng hợp bởi Tổng công ty Thông tin Bất động sản Trung Quốc (CRIC) có trụ sở tại Thượng Hải, người mua tại 18 tỉnh và 47 thành phố đã ngừng thanh toán kể từ cuối tháng 6.

Tianmu News, một hãng truyền thông kỹ thuật số thuộc sở hữu nhà nước, cho biết hôm thứ Năm rằng những người mua nhà tại hơn 100 dự án chưa hoàn thành đã đồng loạt thông báo rằng họ sẽ ngừng thanh toán các khoản thế chấp của mình.

Các dự án này nằm rải rác khắp miền Trung, miền Nam và miền Đông Trung Quốc và theo một báo cáo trên các phương tiện truyền thông, ước tính có 46.000 người mua nhà đồng ý thanh toán các khoản thế chấp ở 14 dự án trong số đó.

"Con số người không đồng ý thanh toán vẫn đang tăng lên", Tianmu trích dẫn số liệu thống kê mà họ thu được từ một số người mua nhà cho thấy.

Các nhà phân tích của Nomura ước tính rằng các nhà phát triển chỉ giao được khoảng 60% số nhà mà họ đã bán trước từ năm 2013 đến năm 2020, trong khi dư nợ thế chấp đã tăng 26,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (3,9 nghìn tỷ USD) trong cùng khoảng thời gian.

Các chuyên gia nói rằng rắc rối đã xảy ra và nó có thể dẫn đến bất ổn tài chính và xã hội.

Các nhà phân tích của Citi cho rằng, cuộc tẩy chay có thể khiến nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc tăng thêm 83 tỷ USD, và gây ra bất ổn xã hội vào thời điểm đất nước đang phải vật lộn với những đợt gia tăng về tình trạng xấu đi của các ngân hàng nhỏ ở nông thôn.

'Bóng đen' tiếp tục phủ lên thị trường bất động sản Trung Quốc - Ảnh 2.

Nguồn: China Daily

Nhà kinh tế cấp cao của ANZ chuyên theo dõi tình hình Trung Quốc, Betty Wang tin rằng quy mô của vấn đề còn lớn hơn nhiều. Bà ước tính rằng 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (223 tỷ USD) các khoản vay thế chấp, hoặc 4% tổng dư nợ cho vay thế chấp của các ngân hàng, có thể bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.

"Điều khiến chúng tôi lo ngại là nếu ngày càng có nhiều người mua nhà ngừng thanh toán, xu hướng lan rộng sẽ không chỉ đe dọa sức khỏe của hệ thống tài chính mà còn tạo ra các vấn đề xã hội trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay", bà viết trong một báo cáo hôm thứ Năm.

Giá nhà mới ở 70 thành phố đã giảm tháng thứ 9 liên tiếp trong tháng 5, theo dữ liệu gần đây của Cục Thống kê Quốc gia. Doanh số bán bất động sản cũng sụt giảm trong bối cảnh bất ổn về công việc và thu nhập của người dân gia tăng.

Rắc rối trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2020, khi Bắc Kinh bắt đầu cắt giảm tín dụng đối với các công ty bất động sản, điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền đối với nhiều nhà phát triển lớn.

Evergrande, công ty quốc doanh mắc nợ nhiều nhất của đất nước, đã bị coi là phá sản vào mùa Thu năm ngoái và đang tiến hành tái cơ cấu nợ. Theo hồ sơ của công ty, chủ đầu tư này vẫn còn nhiều dự án bất động sản trên khắp cả nước chưa hoàn thành.

Lĩnh vực bất động sản chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc.

Theo báo cáo của Tianmu, những người mua dự án của Evergrande ở Jingdezhen, tỉnh Giang Tây, là những người đã nổ "phát súng đầu tiên" trong cuộc phản đối trả các khoản thế chấp trong thời điểm này.

"Dự án Evergrande Longting ở Jingdezhen phải hoàn toàn hoạt động trở lại trước ngày 20 tháng 10 năm 2022", những người này viết trong một bức thư ngỏ vào ngày 30 tháng 6, được công bố trên internet và truyền thông xã hội.

"Nếu không, tất cả các chủ sở hữu chưa trả hết các khoản tiền mua nhà sẽ ngừng trả nợ ", bức thư viết và nói thêm rằng bất kỳ tổn thất nào sẽ do các ngân hàng, chính quyền địa phương và nhà phát triển gánh chịu. Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc ngày càng trầm trọng khi các nhà phát triển lớn ở Thượng Hải vỡ nợ

Trong một bài xã luận hôm thứ Tư, Thời báo Chứng khoán thuộc sở hữu nhà nước cảnh báo rằng nếu ngày càng có nhiều người mua đình chỉ việc trả nợ thế chấp, thị trường bất động sản có thể bị ảnh hưởng sâu sắc nữa và hệ thống tài chính có thể bị khủng hoảng đồng loạt.

Tờ báo cho biết: "Chúng ta phải đề phòng rủi ro lan rộng từ việc đình chỉ trả nợ cho những ngôi nhà chưa hoàn thành".

Người mua nhà là "những người vô tội nhất", bởi vì họ đang tuyệt vọng và không có lối thoát. Nhưng nếu vấn đề không được giải quyết, nó sẽ gây ra thiệt hại thêm.

"Mặc dù các tổ chức tài chính có bất động sản làm tài sản đảm bảo, nhưng các dự án chưa được bàn giao chỉ có thể trở thành nợ xấu. Khi nợ xấu tăng lên, nó có thể gây ra rủi ro cho hệ thống tài chính ", báo cáo cho biết thêm.

(Nguồn: CNN)

NGUYỄN MINH