Cả nước ghi nhận 2.367 ca dương tính COVID-19 trong 24 giờ qua

Cập nhật lúc 18h ngày 12/7, Việt Nam có thêm 609 ca mắc, TP.HCM vẫn nhiều nhất với 341 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 trong ngày là 2.367.

Tính từ 12h30 đến 19h ngày 12/7, Việt Nam ghi nhận thêm 609 ca mắc mới, gồm 6 ca nhập cảnh và 603 ca trong nước.

Số ca mắc trong nước gồm TP.HCM có 341 ca; Bình Dương có 128 ca; Khánh Hòa có 31 ca; Tiền Giang có 26 ca; Phú Yên có 17 ca; Đà Nẵng có 14 ca; Trà Vinh có 8 ca; Hậu Giang có 8 ca; Quảng Ngãi có 7 ca; Sóc Trăng và Bắc Giang mỗi tỉnh có 4 ca; An Giang có 3 ca; Hà Nội có 3 ca; Thanh Hóa, Đồng Tháp, Nam Định và Bình Phước mỗi tỉnh có 2 ca; Đắk Nông có 1 ca.

Trong số 603 ca ghi nhận trong nước này chỉ có 520 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

covid-hcm2.jpg
Trong ngày 12/7, cả nước ghi nhận 2.367 ca mắc COVID-19. Ảnh: HCDC

Như vậy trong ngày hôm nay 12/7, Việt Nam có tổng cộng 2.384 ca mắc mới, gồm 16 ca nhập cảnh và 2.367 ca trong nước. 

Cụ thể, trong ngày TP.HCM ghi nhận 1.764 ca mắc, nâng tổng số ca mắc từ ngày 27/4 đến nay lên 14.776 ca.

Các tỉnh có số ca mắc trong ngày ở mức cao lần lượt là Bình Dương có 128 ca; Tiền Giang có 118 ca; Đồng Nai có 82 ca; Khánh Hòa có 58 ca; Đồng Tháp có 40 ca; Phú Yên có 30 ca; Hà Nội có 29 ca; Vĩnh Long có 26 ca.

Ngoài ra, các tỉnh có số ca mắc trong ngày ở mức thấp hơn gồm Đà Nẵng có 14 ca; An Giang có 11 ca; Bình Phước, Trà Vinh, Hậu Giang mỗi tỉnh có 8 ca; Bắc Giang, Hưng Yên; Quảng Ngãi mỗi tỉnh có 7 ca; Sóc Trăng có 5 ca; Bắc Ninh có 4 ca; Tây Ninh có 3 ca; Bạc Liêu, Thanh Hóa, Nam Định mỗi tỉnh có 2 ca; Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Đắk Nông mỗi tỉnh có 1 ca.

Về tình hình điều trị, trong ngày cso 56 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, hôm nay cũng ghi nhận 4 bệnh nhân qua đời vì COVID-19.

TP.HCM nhận thêm gần 55.000 liều vaccine Pfizer, ưu tiên tiêm cho người trên 65 tuổi

Tại buổi họp báo chiều 12/7, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, TP.HCM vừa được phân bổ thêm 54.990 liều vaccine Pfizer. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp nhận 1 triệu liều vaccine Moderna và 100.000 liều vaccine Astra Zeneca.

Cụ thể trong đợt tiêm vaccine sắp tới, thành phố ưu tiên cao nhất cho nhóm người trên 65 tuổi và có bệnh mạn tính. Thứ hai là người nghèo, nằm trong nhóm chính sách xã hội. Thứ ba là người lao động làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tiện ích, dược, vật tư, chăm sóc sức khỏe...

Ngoài ra, một số công nhân người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn thành phố cũng được ưu tiên.

tiem-vaccine2.jpg
Đo nhịp tim và khai thác tiền sử dịch tễ trước khi tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Thư Anh

TP.HCM sẽ tiến hành kế hoạch tiêm chủng trong vòng 1-3 tuần, với số lượng vaccine dự kiến là hơn 1,1 triệu liều. Thành phố sẽ tổ chức tiêm trên 312 phường, xã. Mỗi phường, xã tối thiểu tổ chức 2 điểm tiêm (624 điểm tiêm), hoạt động từ 8h-20h mỗi ngày.

Một điểm chỉ tiêm cho 120 người mỗi ngày. Thành phố cũng chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện tiêm chủng để tiêm cho người mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ.

Tình hình COVID-19 trên thế giới

Theo trang worldometers.info, tính đến 18h chiều 12/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 187,755 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 4,051 triệu ca tử vong. Hơn 171,688 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục.

Campuchia cho phép bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà

Tính đến trưa 12/7, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Campuchia đã vượt 61.000 người. Nỗi lo ngại lớn đối với Campuchia lúc này là số ca mắc COVID-19 được phát hiện khi nhập cảnh tiếp tục tăng mạnh mỗi ngày. Bộ Y tế nước này không thông báo rõ nguồn nhập cảnh, nhưng báo cáo về số ca mắc COVID-19 tăng cao tại các nước láng giềng mang tới nhiều thông tin xấu.

covid-campuchia.jpg
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Reuters

Thông tin từ cuộc họp báo sáng 12/7 của đại diện ngành y tế Campuchia và chính quyền Phnom Penh cho biết, các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng chính thức được phép điều trị tại nhà. Trẻ em mắc COVID-19 cũng được điều trị tại nhà.

Tính đến ngày 9/7, có 915 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ đã và đang được điều trị tại nơi cư trú và 268 ca trong số này đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Thái Lan sử dụng kết hợp vaccine của Sinovac và AstraZeneca

Hôm 12/7, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul công bố quyết định sẽ sử dụng vaccine của AstraZeneca để tiêm mũi 2 tăng cường cho những người đã được tiêm chủng mũi đầu bằng vaccine của Sinovac, nhằm tăng hiệu quả phòng bệnh COVID-19. 

tiem-vaccine.jpg
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 của Sinovac cho người dân tại tỉnh Pattani, Thái Lan. Ảnh: AFP

Trước đó, nhiều nước như Mỹ, Anh, Cananda, Hàn Quốc, UAE... đã khuyến nghị sử dụng kết hợp 2 loại vaccine để tăng hiệu quả phòng bệnh COVID-19. 

Từ tháng 2/2021, Thái Lan đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19, trong đó ưu tiên nhóm nhân viên y tế tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. Tại thời điểm đó, hầu hết vaccine được sử dụng tiêm chủng là của Sinovac.

Theo kế hoạch, Thái Lan cũng sẽ tiêm chủng vaccine của AstraZeneca làm mũi tăng cường cho những nhân viên y tế đã tiêm chủng 2 mũi vaccine của Sinovac.         

BÌNH AN