Hợp đồng giao dịch tích cực nhất đối với loại cà phê này đã giảm gần 2% xuống còn 2.450 USD/pound tại New York, sau khi tăng vào thứ Ba lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.
Tuy nhiên, giá vẫn cao hơn khoảng 30% vào năm 2024 do tình trạng thiếu hụt loại cà phê robusta rẻ hơn thúc đẩy nhu cầu đối với loại cà phê arabica cao cấp hơn, được ưa chuộng bởi các thương hiệu cà phê Starbucks Corp và Nespresso của Nestle SA.
Giuseppe Lavazza, chủ tịch của công ty rang cà phê Luigi Lavazza SpA, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tuần này rằng sản lượng tại các nước trồng cà phê robusta lớn là Việt Nam và Indonesia đã giảm trong năm nay, khiến các nhà rang xay phải tranh giành hạt cà phê.
Giá cà phê robusta tương lai tuần này đã đạt mức cao nhất trong dữ liệu tính đến năm 2008, trước khi giảm. Ông cho biết điều đó có nghĩa là giá arabica cũng phải duy trì ở mức "khá cao".
Mối lo ngại về vụ thu hoạch yếu hơn dự kiến cũng đang nổi lên ở quốc gia trồng cà phê hàng đầu Brazil, làm tăng thêm căng thẳng về nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Cà phê Arabica cũng có thể phải đối mặt với sự biến động khi mùa đông bắt đầu ở quốc gia Nam Mỹ này khi các thương nhân tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào của sương giá.
"Thị trường rất lo lắng. Và khi thị trường biến động mạnh, mọi tin tức đều có thể gây ra cú sốc", ông Lavazza cho biết.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, chỉ số giá cà phê tổng hợp toàn cầu trong tháng 6/2024 đạt trung bình 226,8 US cent/pound trong tháng 6, tăng 8,9% so với tháng trước và tăng tới 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất đạt được trong 13 năm qua.
Đà tăng giá này chủ yếu là do lo ngại nguồn cung có thể ít hơn kỳ vọng, đặc biệt là nguồn cung từ Việt Nam và Indonesia trong niên vụ 2024/2025. Bên cạnh đó, sản lượng niên vụ 2024/2025 của Brazil cũng có thể thấp hơn dự kiến, đang gây áp lực lên thị trường.
Trong tháng 6/2024, Robusta là loại cà phê có biến động giá mạnh nhất khi tăng tới 10,5% so với tháng 5/2024, lên mức bình quân 204,3 US cent/pound.
Tiếp đến là cà phê Arabica Brazil tăng 9,3% lên 229,2 US cent/pound. Ngoài ra, giá cà phê Arabica Colombia và các loại cà phê Arabica khác cũng lần lượt tăng 7,2% và 7%, đạt lần lượt 250,4 và 248,4 US cent/pound.
Trên thị trường kỳ hạn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta trong tháng 6/2024 đã tăng 10,7% lên mức 182,8 US cent/pound. Trong khi tại thị trường ICE Futures US, giá cà phê Arabica tăng 8,4%, lên 226,4 US cent/pound.
Tính đến cuối tháng 6, tồn kho cà phê đã qua xác nhận trên cả hai sàn giao dịch trên tiếp tục tăng so với tháng trước. Trong đó, tồn kho cà phê Robusta tăng 24,3% lên 0,97 triệu bao (60 kg/bao), tồn kho cà phê Arabica tăng 2,8% lên 0,86 triệu bao.
Mặc dù tăng trở lại nhưng tổng lượng tồn kho hiện tại vẫn thấp hơn mức 1,85 triệu bao đạt được vào tháng 6/2023.
Tính chung 8 tháng đầu niên vụ 2023/2024 (tháng 10/2023 đến tháng 5/2024), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 92,7 triệu bao, tăng 10,9% tương đương 9,1 triệu bao so với cùng kỳ niên vụ trước.
Đáng chú ý, theo ICO, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam đã giảm tới 46,8% xuống chỉ còn 1,3 triệu bao trong tháng 5/2024. Sự sụt giảm này đã tác động mạnh đến xuất khẩu cà phê Robusta toàn cầu, mặc dù khối lượng bán ra của Brazil trong tháng vừa qua tiếp tục tăng tới 248,2% lên hơn 1 triệu bao.
Tính từ đầu niên vụ đến nay, xuất khẩu cà phê Robusta của Brazil đã đạt gần 5,5 triệu bao, mức cao nhất ghi nhận được của nước này.