Các bệnh viện ở TPHCM bị quá tải nguồn lực và vật lực điều trị Covid-19

Các bệnh viện dã chiến nơi điều trị cho bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng đang thiếu hụt nhân viên y tế.

Sáng 13-7, lãnh đạo TP.HCM, Bộ Y tế cùng các cơ quan chuyên môn đã khảo sát lần cuối trước khi đưa Trung tâm hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường vào hoạt động.

Theo ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết điểm thuận lợi nhất của trung tâm này chính là cấu trúc hạ tầng hiện đại có thể hỗ trợ hô hấp một lúc lên đến 1.000 bệnh nhân (bao gồm thở oxy, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn). Tất cả giường bệnh đều có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm, trong đó có 100 giường chăm sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm, bên cạnh oxy và hút trung tâm. Đây là hạ tầng không thể thiếu để triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch. Trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy thở, máy lọc máu, ECMO... cũng đang được huy động từ nguồn lực sẵn có. 

Các bệnh viện ở TPHCM bị quá tải nguồn lực và vật lực điều trị Covid-19

Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 trong 4 đơn vị được giao bố trí 300 giường hồi sức tích cực, cũng đang gặp khó khăn trong việc điều phối nhân lực và trang thiết bị máy móc. Hiện năng lực tối đa của bệnh viện có thể bố trí khoảng 100 giường hồi sức điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng phải thở máy, lọc máu, chạy ECMO. 

Đơn vị đã huy động 181 nhân sự chi viện cho 6 bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức 1.000 giường. Theo ông Thức, sắp tới đây việc bố trí nhân sự cho 300 giường hồi sức khá căng.

"Ngoài các vấn đề về cơ chế, hệ thống oxy, khí nén không phải muốn là làm liền được. Hiện chúng tôi đang suy nghĩ đàm phán với Đại học Bách khoa TP.HCM xem có thể sản xuất được hệ thống này trong vài tuần hay không" - ông Thức nói.

Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyễn Thành Tâm - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 đóng tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, bệnh viện có khoảng 4.500 bệnh nhân không có triệu chứng nhưng chỉ có khoảng 75 bác sĩ, 120 điều dưỡng. Trung bình mỗi bác sĩ phải căng mình theo dõi, chăm sóc, điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân.

Bác sĩ Phạm Gia Thế - phụ trách Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 - cho biết sau 7 ngày hoạt động bệnh viện tiếp nhận 2.000 ca không có triệu chứng. Từ 25 nhân viên y tế ban đầu, bệnh viện vừa được chi viện 2 lần đến nay nâng tổng số 100 người. Ngoài ra bệnh viện được bố trí thêm 90 dân quân và 10 tình nguyện viên hỗ trợ. Bệnh viện rất cần chi viện thêm y bác sĩ mới có thể chăm sóc chu đáo cho người bệnh. 

Bác sĩ Lê Mạnh Hùng - giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ - cho biết bệnh viện đang điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân và cũng thiếu bác sĩ, điều dưỡng. Bệnh viện điều trị F0 có triệu chứng, thường xuyên vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên nhưng hiện không có xe cứu thương, có khi phải đợi vài tiếng mới có xe từ các bệnh viện tiếp ứng. 

Thanh Mai