TPHCM tính toán phương án mở rộng cách ly F1 tại nhà

Phó Thủ tướng đã cùng Sở chỉ huy chống dịch TPHCM điểm lại những việc đã làm, tập trung trao đổi những vấn đề cụ thể mới phát sinh.

Sáng 11-7, trong cuộc họp giao ban trực tuyến  với "Sở chỉ huy chống dịch TPHCM", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần khẩn trương cùng với TP.HCM bàn, căn cứ tình hình thực tiễn để có hướng dẫn mới về cách ly F1 tại nhà phù hợp, tinh thần hiệu quả là trên hết.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giải pháp kiểm soát người ra, vào bằng giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 có tác dụng phòng, chống dịch ở mức độ nhất định nếu được tổ chức tốt. 

  Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: VGP

Trong điều kiện TP.HCM và các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg thì Bộ Y tế, Bộ GTVT cần nghiên cứu điều chỉnh để kiểm tra người từ vùng dịch vào vùng an toàn, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa…

Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thành phố đang triển khai nhiều kênh cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho người dân nghèo.

TP.HCM tổ chức tiếp nhận đối tượng cơ nhỡ, lang thang nơi công cộng đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội sau khi xét nghiệm; chi hỗ trợ cho 54.700 người/225.000 lao động tự do với 82 tỉ đồng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM quan tâm cả những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt mà trong điều kiện bình thường chưa quản lý, nắm hết được. Bên cạnh MTTQ, các tổ chức, đoàn thể, TP.HCM cần kêu gọi, phát động các doanh nghiệp, người dân hỗ trợ, giúp đỡ những người khó khăn ở quanh mình.

Chủ tịch MTTQ TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho biết Mặt trận đã huy động các tổ chức, đoàn thể, với sự tham gia của Đoàn thanh niên để rà soát, không để bất kỳ người dân nào, trong đó cả những người không thuộc 6 nhóm đối tượng hỗ trợ theo nghị quyết 09/NQ-TPHCM của thành phố bị thiếu đói, đứt bữa trong thời gian giãn cách xã hội.

Lãnh đạo TP.HCM cho biết tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có 42/128 doanh nghiệp đăng ký phương án vừa cách ly, vừa sản xuất, đã chuẩn bị nhiều khu đất trống, nhà xưởng chưa sử dụng để phục vụ công nhân ăn, ở, sinh hoạt. Hiện có 3 nhóm doanh nghiệp. 

Thứ nhất là những doanh nghiệp sẵn sàng triển khai vừa sản xuất, vừa cách ly. 

Thứ hai là những doanh nghiệp có nhu cầu duy trì sản xuất ở mức độ nhất định, tuy nhiên khó khăn là kiểm soát quá trình di chuyển của công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc an toàn. 

Thứ ba là những doanh nghiệp dừng hoạt động hoàn toàn trong thời gian giãn cách xã hội.

Phó thủ tướng cho rằng tổ chức các nhà máy an toàn là vấn đề cấp bách.

Đến nay, TP.HCM đã cơ bản dần từng bước thiết lập kỷ cương, kiểm soát trong thực hiện giãn cách xã hội đối với người dân trong địa bàn dân cư, hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa và thời gian tới phải kiểm soát khu vực sản xuất, tập trung vào khu công nghiệp, khu chế xuất…Thành phố cần phân loại những doanh nghiệp có đơn hàng gấp cần tổ chức vừa sản xuất, vừa cách ly; có biện pháp quản lý từng công nhân trong nhà máy từ nơi ở, quá trình di chuyển đến nơi làm việc theo chu trình khép kín.

Phó thủ tướng đặc biệt lưu ý việc ghi nhận số ca nhiễm lớn trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa cần xem xét lại việc chống lây nhiễm chéo, bảo đảm giãn mật độ tối đa. Công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy thành phố cần tính toán thêm phương án cách ly F1 tại nhà. 

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, cho biết thành phố đang triển khai kịch bản cách ly F1 tại nhà, khách sạn trong tình huống có 20.000 F0 và 200.000 F1.

"Thành phố mong muốn Bộ Y tế tháo gỡ, điều chỉnh một số điều kiện để cách ly F1 tại nhà ở các khu chung cư, nhà xây mới bảo đảm điều kiện, có sự tham gia giám sát của 17.000 tổ COVID cộng đồng…; còn những ngõ, hẻm nhỏ, khu nhà trọ tập trung đông dân cư thì phải đưa các F1 đi cách ly tập trung để bảo đảm an toàn dịch bệnh", ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết.

Phó thủ tướng cho biết dù đây là một bước tiến, nhưng cần tiếp tục xem xét điều chỉnh tiêu chí, điều kiện quy định hiện nay. Hiện đã giao và Bộ Y tế cần khẩn trương cùng với thành phố bàn, căn cứ tình hình thực tiễn để có hướng dẫn mới phù hợp.  TP.HCM cần có sự điều chỉnh từ chiến lược hạn chế số ca F0 sang hạn chế trường hợp tử vong, theo dõi rất sát các F0 không có triệu chứng đang điều trị trong các bệnh viện dã chiến, không để nặng lên.

Kế hoạch tiêm của TP.HCM cần xem xét, ngoài các lực lượng nòng cốt trong chống dịch, phục vụ phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân, thì không nhất thiết tập trung vào những vùng dịch đang lây nhiễm cao mà thay vào đó là những vùng đệm an toàn, những nhà máy tổ chức sản xuất an toàn.

Thanh Mai

Dự báo thời tiết ngày mai 11/7: Hà Nội ngày nắng gián đoạn, có mưa

Dự báo thời tiết ngày mai 11/7: Hà Nội ngày nắng gián đoạn, có mưa

Dự báo chỉ số UV trên cả nước đều ở mức từ 8-10 đạt ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, riêng khu vực Bắc Bộ ngày thứ ba chỉ số UV có xu hướng giảm xuống ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao.