Các công ty tài chính sa sút vì dịch bệnh, xuất hiện vay ngang hàng tiềm ẩn rủi ro cho thị trường

Trong 2 năm trở lại đây, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều người lao động mất việc làm hoặc giảm thu nhập đã dẫn đến nhiều khó khăn cho các công ty tài chính. Mô hình cho vay ngang hàng tiềm ẩn rủi ro cho thị trường...

Một kênh dẫn vốn khác được ưa chuộng đó là mô hình cho vay ngang hàng ( P2P Lending ). Nhưng bên cạnh các công ty làm ăn chân chính thì nổi lên nhiều công ty trá hình, lãi suất cho vay “cắt cổ” và lừa đảo khách hàng. Vừa qua, Bộ Công an cũng đã có cảnh báo về việc một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến, điển hình như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” từng bị lực lượng Công an triệt phá. Ở góc độ nhà đầu tư, mô hình này hiện vẫn duy trì mức lãi suất dao động từ 15-18%/năm, tương đương 1,5%/tháng. Từ đó, P2P Lending càng là kênh đầu tư hấp dẫn cho những người có nguồn tiền nhàn rỗi và trở thành xu hướng trên thị trường tài chính.

Trong quý 3/2021, làn sóng COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam buộc nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách kéo dài, kết quả kinh doanh của các công ty tài chính đi xuống rõ rệt. Thông tin tại Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm của nhóm các công ty tài chính do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, tổng dư nợ tín dụng của các hội viên đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu bình quân 9-10% trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 đạt khoảng 6% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.

Trong đó, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của FE Credit đạt 11.900 tỷ đồng, thấp hơn mức 13.000 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2020 và 13.500 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019. Trong quý 3/2021, công ty này đã ghi nhận lỗ 300 tỷ đồng, kết quả chưa từng có của công ty tài chính đứng đầu Việt Nam. Hay tại HD Saison, dư nợ cho vay đến cuối tháng 9/2021là 12.305 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng trong quý 3. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ổn định ở mức 5,8% trong 2 quý đầu năm thì đến hết quý 3 đã tăng lên 7,4%. Còn tại M Credit, 9 tháng đầu năm, công ty tài chính tiêu dùng này ghi nhận doanh thu đạt 3.190 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 432 tỷ, tăng 105%. Ước tính, riêng trong quý 3/2021, doanh thu của M Credit đạt 1.022 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 86 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2 quý trước đó.

Đối với các công ty P2P Lending hiện nay, mặc dù đang gặp thách thức vì đại dịch, nhưng đây cũng là cơ hội để nâng cao hơn nữa năng lực thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay cho đảm bảo. Nếu không, khi nợ xấu xảy ra, các công ty này sẽ phải gánh khoản lãi 18-20%/năm của người vay cho nhà đầu tư, như một quả “bom nợ” hẹn giờ, chỉ một số nhà đầu tư đến hạn không nhận được lãi/gốc, sẽ phát nổ và sụp đổ hệ thống.

Ngày 10-11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng là trung gian thanh toán và Fintech 9 tháng năm 2021. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, cho biết thống kê hiện nay có khoảng trên 100 doanh nghiệp là công ty tài chính công nghệ (fintech) đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng (P2P lending)…

Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có 13 tổ chức là hội viên của VNBA. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được các công ty này chú trọng đầu tư, nhất là thanh toán điện tử, với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19.

Thống kê của NHNN cho thấy, hiện cả nước có gần 90 triệu tài khoản ví. Tốc độ tăng trưởng của ví điện tử những năm qua thường lên tới 3 con số, cao hơn rất nhiều lần so với tăng trưởng của thẻ ngân hàng, giao dịch Internet banking. Đáng nói là, trên 90% ví điện tử đã có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không siết chặt quản lý ví điện tử, nguy cơ sẽ phải đối mặt rất nhiều hệ lụy, không chỉ là lợi dụng để đánh bạc, lừa đảo.

Chính vì vậy, NHNN đang nghiên cứu sửa Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 theo hướng bổ sung 4 nhóm đối tượng rủi ro cao vào diện bắt buộc báo cáo, bao gồm: Ví điện tử, tiền ảo, cho vay P2P, cầm đồ. Ngoài nguy cơ của ví điện tử như đã nói ở trên, tiền ảo cũng được NHNN nhận diện là kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố khi chúng có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền "sạch" hoặc chuyển các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.

Tương tự, dịch vụ p2p lending cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro (rủi ro cho vay, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng...) tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội. Cũng giống như lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động cho vay trực tuyến, nhưng cũng không có quy định cấm đối với hoạt động này.

Tĩnh Kiên 

(Tổng Hợp)