Các ngân hàng tăng vốn mạnh và ồ ạt nhất từ trước đến nay

Vốn điều lệ tăng thêm 110.000 tỷ đồng trong năm 2021, bảng xếp hạng các ngân hàng Việt xáo trộn mạnh, Các ngân hàng tăng vốn mạnh và ồ ạt nhất từ trước đến nay.

Thêm 3 ngân hàng nữa phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm hơn 10.000 tỷ trong năm qua là BIDV, VietinBank, Vietcombank. Đây là lần đầu tiên 3 ngân hàng này được thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, sau thời gian dài đề xuất với Chính phủ, NHNN cơ chế tăng vốn.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng tư nhân cũng tăng vốn khủng trong năm qua như MB (tăng gần 9.800 tỷ), SHB (tăng hơn 9.100 tỷ đồng), TPBank (tăng hơn 5.100 tỷ), VIB (tăng hơn 4.400 tỷ),…

Trong các ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ duy nhất Techcombank và Sacombank không tăng vốn điều lệ năm 2021. Tại ĐHĐCĐ, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank cho biết vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng, trong khi vốn điều lệ chỉ ý nghĩa tại một số văn bản pháp lý. Techcombank đã tăng đủ vốn điều lệ để đáp ứng các chỉ số hoạt động, quan trọng là làm thế nào để sử dụng vốn sao cho hiệu quả, giá trị ngân hàng tăng lên.

Còn tại Sacombank, lý do ngân hàng không tăng vốn điều lệ là vì đang tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Theo đó, Sacombank chưa được chấp thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn ở thời điểm này. Với việc tăng vốn ồ ạt, trật tự trên bảng xếp hạng vốn điều lệ cũng liên tục có sự xáo trộn mạnh với những cuộc soán ngôi ngoạn mục.

Đầu tháng 7, VietinBank chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 29% tăng mạnh vốn điều lệ lên hơn 48.000 tỷ đồng, vượt BIDV và cao nhất hệ thống. Đây cũng là lần đầu tiên VietinBank tăng vốn sau 7 năm liền.

VPBank hồi tháng 10 vượt Vietcombank, BIDV để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 2 trong hệ thống. Nhưng sau đó chỉ vài tháng, 2 "ông lớn" cũng đã nhanh chóng lấy lại vị thế. BIDV và Vietcombank đều chia cổ tức bằng cổ phiếu ngay trong tháng cuối cùng của năm, tăng vốn lên hơn 50.500 tỷ và 47.300 tỷ đồng.

Tương tự, MB tăng vốn lên gần 38.000 tỷ hồi đầu tháng 7 và tạm vượt Vietcombank với mức chênh lệch suýt soát. Đến hiện tại, sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, Vietcombank đã tăng vốn lên hơn 47.3000 tỷ đồng, lại vượt MB và VPBank.

Tại thời điểm 31/12/2021, ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất là BIDV với hơn 50.500 tỷ đồng, tăng hơn 10.300 tỷ so với đầu năm.

Đứng thứ 2 là VietinBank với hơn 48.000 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là Vietcombank (47.325 tỷ), VPBank (44.455 tỷ) và MB (37.783 tỷ đồng).

Như vậy, Techcombank đã bị đánh bật ra khỏi TOP 5 ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong năm 2021 và lùi xuống vị trí thứ 6 do năm qua ngân hàng không thực hiện tăng vốn điều lệ như các nhà băng khác. Trước đó cuối năm 2020, với vốn điều lệ đạt hơn 35.000 tỷ đồng, Techcombank đứng thứ 4 trong hệ thống và chỉ thua 3 "ông lớn" BIDV, Vietcombank, VietinBank.

4 ngân hàng tiếp theo lọt TOP 10 là Agribank (34.233 tỷ đồng), ACB (27.019 tỷ đồng), SHB (26.677 tỷ đồng)  và HDBank (20.073 tỷ đồng).

So với năm ngoái, danh sách TOP 10 năm nay không có Sacombank mà thay vào HDBank. Trong khi Sacombank chưa tăng được vốn thì HDBank năm qua đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Eximbank tiếp tục năm thứ 11 không tăng vốn điều lệ. Từ vị trí đứng thứ 5 trong hệ thống năm 2012, hiện tụt xuống vị trí thứ 18, bị loạt ngân hàng "vượt mặt" như OCB, TPBank, MSB, SeABank,..

Nhóm ngân hàng nhỏ nhất trong hệ thống như VietBank, VietCapitalBank, Kienlongbank, NamABank có tăng vốn trong năm qua nhưng còn tăng nhỏ giọt. Hiện vốn điều lệ của NamABank mới vượt 5.100 tỷ đồng, trong khi 4 ngân hàng còn lại đều thấp hơn 5.000 tỷ. Ngoài ra, nhiều ngân hàng nhỏ khác không tăng vốn trong năm qua, và vốn điều lệ vẫn dưới mốc 5.000 tỷ là NCB, Saigonbank, PGBank.

Tổng Hợp