Ngay sau khi việc đi lại giữa các tỉnh thành được nới lỏng, các nhà đầu tư đã bắt đầu quay trở lại thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội, nhưng thị trường những tháng cuối năm vẫn chưa thể khởi sắc...
Những tín hiệu tích cực về cả nguồn cung và cầu trên thị trường sau một thời gian dài suy giảm. Có thể thấy, ở thời điểm hiện nay, cả người mua và người bán đều đã sẵn sàng để gặp nhau. Tuy nhiên, tâm lý dè chừng, nghe ngóng vẫn chiếm chủ đạo. Do đó, điều mà rất nhiều các nhà đầu tư quan tâm lúc này đó là phân khúc nào sẽ hồi phục nhanh nhất sau dịch và đâu là phân khúc còn tiềm năng tăng trưởng.
Đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Có thể tuy không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng vẫn sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Riêng phân khúc căn hộ, đặc biệt căn hộ tầm trung sẽ luôn được những người có kế hoạch mua nhà tìm kiếm và lựa chọn. Tuy nhiên, nguồn cung mới ở phân khúc căn hộ có thể tiếp tục hạn chế, chủ yếu là những dự án đã có sự chuẩn bị từ trước.
Nhận định về thị trường BĐS thời điểm cuối năm, ông Sử Ngọc Khương, chuyên gia của Savills cho rằng, đối với nhóm đầu tư cá nhân, nếu có nhu cầu nhà ở, nguồn tiền đã có sẵn từ trước, không phải sử dụng đòn bẩy kinh tế thì đây là một cơ hội tốt để mua nhà. Tuy nhiên, đối với nhóm đầu tư "lướt sóng" hay nhóm đầu tư ngắn hạn thì chưa phải là thời điểm thích hợp. "Việc các nhà đầu tư thực hiện các giao dịch lướt sóng đẩy giá trong thị trường bất động sản trong thời gian tới cũng tương đối không khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn được kiểm soát dịch và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh", TS Khương cho biết.
Báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn cho biết, trong tháng 10 - tháng đầu tiên được nới lỏng giãn cách, lượng tin đăng rao bán nhà đất (nguồn cung) trên toàn thị trường tăng 135% so với tháng 9. Trong đó, nguồn tin rao bán đất nền tăng 113%, chung cư tăng 139% còn nhà riêng và nhà phố tăng 184%. Đáng chú ý, TP HCM có lượng tin rao bán nhà đất tăng mạnh với mức tăng 358% so với tháng trước đó. Cụ thể, tin rao bán nhà riêng, căn hộ chung cư tăng lần lượt 535% và 313%. Tin đăng cho thuê căn hộ chung cư cũng tăng mạnh 240%. Riêng phân khúc chung cư bình dân, lượng tin đăng rao bán trong tháng vừa qua ghi nhận tăng vọt lên 545%.
Dù thời điểm này, thị trường BĐS chưa sôi động bằng dịp đầu năm, nhưng việc nhà đầu tư (NĐT) Tp.HCM rục rịch đổ về các tỉnh lân cận để xem đất ngày càng nhiều cho thấy, BĐS đã có dấu hiệu "bắt nhịp" nhanh với trạng thái "bình thường mới". Ghi nhận cho thấy, lượng nhà đầu tư đổ về các tỉnh xem BĐS tăng lên đáng kể từ thời điểm nới giãn cách. Nhiều người đi nghe ngóng tình hình, nhiều trong số đó đã tìm hiểu sản phẩm trước đó và đi xem thực tế để quyết định.
Nguồn cung và mức độ quan tâm đối với phân khúc chung cư bình dân tại các thành phố lớn đã bắt đầu tăng mạnh trở lại. Giao dịch bắt đầu quay trở lại ở TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam Bộ. Xu hướng mở bán sản phẩm online diễn ra mạnh mẽ. Mức độ quan tâm và lượng tin đăng tăng ở tất cả các loại hình. Trong đó, tại TP.HCM, mức độ quan tâm tăng mạnh ở phân khúc căn hộ chung cư, đất nền.
Đánh giá chung về thị trường BĐS TP.HCM và các tỉnh lân cận trong thời gian tới, các đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng, phân khúc chung cư bình dân và đất nền có mức tăng cao nhất về lượng tin đăng và mức độ quan tâm. Giá rao bán loại hình này ở TP.HCM trong tháng 10/2021 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ TP.HCM, một số thị trường BĐS lớn như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... cũng ghi nhận mức tăng cao sau khi nới lỏng giãn cách.
Từ đầu tháng 10 đến nay, khi việc đi lại giữa các tỉnh, thành phố được nới lỏng, các hoạt động cũng trở về trạng thái bình thường mới. Đối với lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp đang bắt đầu kế hoạch triển khai/giới thiệu/mở bán dự án để tăng tốc trong quý cuối năm. Song song với đó, nhiều nhà đầu tư cũng rục rịch quay trở lại thị trường.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)